In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác

Bài đăng vào lúc: 16:27:07, ngày: 03/11/2016 GMT +7


Ngày 10/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, gồm: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, lao động thương binh và xã hội, tư pháp, sự nghiệp khác. Nghị định này không điều chỉnh đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hóa thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ.
Tại địa phương Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ như sau:
Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc phạm vi quản lý của địa phương; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thuộc địa phương quản lý;
Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc phạm vi quản lý của địa phương, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Phí dịch vụ sự nghiệp công:
Việc thu phí dịch vụ sự nghiệp công: Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác được cấp có thẩm quyền giao thu phí, được thu phí theo mức thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với các dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí.
Về giá dịch vụ sự nghiệp công:
a) Đối với dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước:
- Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác được xác định giá dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, quyết định khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy theo quy định.
b) Đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước:
- Giá dịch vụ sự nghiệp công được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí theo quy định Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công cụ thể như sau:
          Đến năm 2016: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định);
Đến năm 2018: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định);
Đến năm 2020: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập và định mức lao động do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ , Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo thẩm quyền.
- Đối với dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng tiếp tục thực hiện giá tính đủ chi phí  theo giá tính đủ chi phí.
- Phương pháp định giá, thẩm quyền và trình tự định giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định pháp luật về giá.
Đặc biệt đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư phải thành lập hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng của đơn vị. Hội đồng quản lý quyết định về chiến lược, kế hoạch trung hạn và hàng năm của đơn vị; quyết định chủ trương đầu tư mở rộng hoạt động, thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc; quyết định chủ trương lớn về tổ chức, nhân sự ...thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị để trình cấp có thẩm quyền quyết định; thông qua báo cáo quyết toán tài chính hàng năm, thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, việc triển khai quy chế dân chủ, quyết định các vấn đề quan trọng khác của đơn vị theo quy định của pháp luật.
Hội đồng quản lý có từ 5- 11 thành viên, trong đó có đại diện của cơ quan quản lý cấp trên. Chủ tịch và các thành viên của hội đồng quản lý do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị bổ nhiệm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2016 trên đây là một số điểm mới mà Nghị định 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác ./.

Lê Thị Thu Hương - Phòng TC Hành chính sự nghiệp.