In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra

Bài đăng vào lúc: 10:13:42, ngày: 10/12/2018 GMT +7


Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra là hoạt động do các cơ quan thanh tra tiến hành nhằm xem xét, đánh giá việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; từ đó tiến hành các biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo thực thi các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra có vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước. Nó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đánh giá được hiệu quả của công tác xử lý qua thanh tra. Trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra năm 2010, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 quy định việc thực hiện kết luận thanh tra và trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2013/TT-TTCP ngày 12/3/2013 quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Cùng với đó, trong định hướng Chương trình, kế hoạch công tác thanh tra hàng năm, Thanh tra Chính phủ cũng như Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương đều xác định hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành cần tăng cường thực hiện, nhất là việc thu hồi tiền, tài sản vi phạm phát hiện qua thanh tra cũng như việc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, thực tế công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra trong thời gian qua còn có những tồn tại, hạn chế và gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. 
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
- Kết luận thanh tra phải đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của đơn vị được thanh tra trên cơ sở xem xét, phân tích điều kiện thực tế, so sánh, đối chiếu với những quy định của pháp luật, từ đó xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về hành chính, kinh tế, công tác quản lý, để đảm bảo kết luận có tính khách quan, toàn diện, có tính thuyết phục và có tính khả thi, đồng thời kết luận thanh tra phải được xây dựng, ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định để đảm bảo hiệu lực thi hành.
- Tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác xử lý qua thanh tra, theo đó nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, đặc biệt cần phải coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả cuộc thanh tra.
- Chú trọng củng cố, kiện toàn cán bộ, thanh tra viên làm công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, cần sắp xếp, bố trí cán bộ, thanh tra viên có kinh nghiệm, năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ làm nhiệm vụ giám sát và xử lý sau thanh tra.
- Các cơ quan thanh tra cần tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; xây dựng, hoàn thiện quy trình thẩm định dự thảo kết luận, ban hành kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, lập kế hoạch theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đúng quy định, có hiệu quả.
- Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là cơ quan được thanh tra cần coi trọng việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và thường xuyên kiểm tra sát sao đối với đơn vị, cá nhân thuộc quyền trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
- Làm tốt công tác thu hồi dứt điểm ngay trong quá trình thanh tra; thực hiện công khai, minh bạch kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
- Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương cần mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, thanh tra viên làm công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong ngành thanh tra.
- Để phù hợp với điều kiện, tình hình mới và cũng để phù hợp với căn cứ pháp lý, Thanh tra Chính phủ cần ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ thay thế cho Thông tư số 01/2013/TT-TTCP  ngày 12/3/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đã ban hành trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015.
Để đạt hiệu quả theo yêu cầu trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thanh tra cần lưu ý thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra./.

THANH TRA SỞ TÀI CHÍNH