In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Du khảo về nguồn “Hành trình theo chân Bác” năm 2015

Bài đăng vào lúc: 15:46:08, ngày: 17/07/2015 GMT +7


Thiết thực chào mừng kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 104 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2015) và đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chi đoàn Sở Tài chính đã tích cực tham gia đợt du khảo về nguồn “Hành trình theo chân Bác” do Ban Thường vụ Đoàn khối các cơ quan tỉnh tổ chức từ ngày 17/5 đến 22/5/2015. 
 
 
Với mục đích thông qua các hoạt động về nguồn để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, Đoàn viên thanh niên về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, Đoàn du khảo về nguồn đã tiến hành dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Bác tại bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Bình Thuận. Tiếp nối truyền thống chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của Bác, Đoàn cũng đã tặng quà cho các em nhỏ trại trẻ mồ côi, góp sức nuôi dưỡng các mầm non tương lai của đất nước.Tiếp tục hành trình, Đoàn đã ghé thăm trường Dục Thanh - ngôi trường Bác Hồ đã dừng chân và dạy học vào năm 1910. Tại ngôi trường này, Bác đã để lại tình cảm yêu thương, quyến luyến của các đồng nghiệp, học sinh và nhân dân Bình Thuận trong những ngày Bác tham gia công tác giảng dạy. 
 

 
Ngày 19/5/2015, Đoàn du khảo đã đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh – thành phố mang tên Bác. Tại Bến nhà Rồng – hiện nay là bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 05/06/1911, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, để rồi Sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài Nguyễn Tất Thành trở thành nhà cách mạng lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng 8, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến với bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi lưu truyền những tư liệu hiện vật quý giá đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ thiên tài, người cha già kính yêu của dân tộc. Bác đã để lại cho non sông đất nước ta một di sản lớn lao, vô giá và mãi mãi trường tồn. Tưởng nhớ về Bác, bài học thiết thực ý nghĩa nhất của mỗi người là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đức tính giản dị của Bác là tấm gương mẫu mực và trong sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập theo Người. Học ở Bác là ở ý chí và nghị lực, học ở Bác lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự tôn dân tộc. Đó là những điều mà Đoàn du khảo về nguồn “Hành trình theo chân Bác” đến đây, thành kính dâng hương trước tượng đài của Bác, tất cả đều hứa với lòng mình học và làm theo gương Bác phải bằng sự quyết tâm và cầu tiến không ngừng.
 
    
Điểm đến tiếp theo của Đoàn du khảo dừng chân tại Dinh Độc lập, hay còn gọi là dinh Thống Nhất, một công trình tọa lạc trên mảnh đất rộng 15 ha ngay giữa trung tâm thành phố. Công trình in đậm dấu ấn thời gian và lịch sửa nhưng cũng rất nên thơ và lãng mạn…. Dinh Độc lập không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nước nhà. Nơi đây trưng bày gần 200 kỷ vật, mỗi kỷ vật là một vật chứng, một câu chuyện, một chiến công trong suốt chiều dài 30 năm kháng chiến gian khổ và anh dũng của dân tộc ta để giành độc lập dân tộc mới thấy hết được cái giá mà nhân dân ta phải hy sinh cho đất nước thống nhất.
 
    
Chia tay thành phố mang tên Bác, Đoàn du khảo tiếp tục hành trình đến vùng đất đất thép thành đồng Củ Chi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân và các lực lượng vũ trang Củ Chi đã có những sáng tạo về cách đánh, về tổ chức trận địa, tạo thế bám trụ, lấy phương thức chiến tranh nhân dân đánh bại phương thức chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ. 30 năm chiến đấu, biết bao người con kiên trung của Củ Chi đất thép anh hùng đã ngã xuống. Toàn thắng thuộc về dân tộc ta, tự do thuộc về nhân dân ta. 30 năm sau, Củ Chi đã thay màu áo mới. Mặt đất lành lặn, vết tích chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ. Tuy nhiên, nơi đây còn biết bao người mẹ Việt Nam anh hùng còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhận thấy được trách nhiệm, lòng biết ơn vô hạn đối với các mẹ, Đoàn du khảo cũng đã đến thăm hỏi và gửi tặng 02 suất quà cho hai mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Thu và Nguyễn Thị Phơi. 
 

 
Đến với Củ Chi, mọi người không thể bỏ lỡ cơ hội tham quan Địa đạo Củ Chi - một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, là kỳ quan độc nhất vô nhị với địa đạo dài 250km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, đặc biệt được làm từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc xe xúc đất. Biết vậy chúng ta mới thấy rằng sự bền bỉ, kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt của các chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập – tự do của nước nhà. Hình ảnh của “đất thép thành đồng” Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến như phần nào được tái hiện qua các tượng anh lính giải phóng quân đội mũ tai bèo, phụ nữ mặc áo bà ba đen, quàng khăn rằng và đi dép lốp, ở bên trong những bụi cây, ở mỗi khúc quanh trong khu địa đạo. Đến địa đạo Củ Chi, ai cũng sẽ phải khâm phục sự thông minh của chiến sĩ ta khi sáng chế ra bếp “Hoàng Cầm”. Một sáng kiến về thiết kế phục vụ công tác hậu cần rất độc đáo. Viếng Đền Bến Dược giúp các thành viên của Đoàn Du khảo hiểu được một lẽ sống cao đẹp tuyệt vời. Đó là lẽ sống của những người rất yêu cuộc sống nhưng sẵn sàng xả thân cứu nước, gặp lúc Tổ quốc lâm nguy. Đó là lẽ sống của những bà mẹ liệt sĩ mất con, đau như đứt ruột, hy sinh hạnh phúc riêng cho hòa bình đất nước. Nơi đây đã ghi dấu công ơn, nhắc nhở những người ở lại về sự hy sinh của các chiến sĩ trên 44.744 tấm bia bằng đá hoa cương.

 

 
Đoàn du khảo trở về Bình Định, kết thúc chuyến đi với bao nhiêu cảm xúc, niềm yêu thương, kính trọng và khâm phục vô bờ của thế hệ trẻ Việt Nam đối với Bác Hồ và bao lớp người, các chiến sĩ đã nằm xuống để hy sinh cho đất nước. “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”, luôn vang vọng trong tâm trí mỗi thành viên và chúng tôi thầm hứa sẽ cống hiến hết sức mình cho Tổ Quốc, cho cuộc sống, đem một phần nhỏ công sức của mình góp phần cho đất nước ngày càng giàu đẹp và phồn thịnh hơn.

Đào Thị Yến Nhi - Phòng Ngân sách.