In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Hướng dẫn đăng ký mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung do Sở Tài chính thực hiện

Bài đăng vào lúc: 16:40:59, ngày: 05/09/2016 GMT +7


Thực hiện Quyết định số 2206/QĐ-UBND ngày 28/06/2016 UBND tỉnh Bình Định ban hành về việc ban hành Danh mục tài sản mua sắm tập trung và Phân công đơn vị thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong đó phân công Sở Tài chính thực hiện đơn vị mua sắm tập trung của tỉnh từ ngày 01/7/2016. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đã có văn bản số 2262/STC-GCS ngày 04/7/2016 hướng dẫn mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Định, để các cơ quan đơn vị nghiên cứu và thực hiện.
Thời gian qua, Sở Tài chính đã tiếp nhận văn bản đăng ký mua sắm tập trung của một số cơ quan, đơn vị đối với tài sản mua sắm tập trung của tỉnh do Sở Tài chính thực hiện; tuy nhiên việc đăng ký chưa đúng hướng dẫn tại Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung và văn bản số 2262/STC-GCS ngày 04/7/2016 của Sở Tài chính.
Do đó, để đảm bảo thủ tục triển khai mua sắm tập trung tài sản nhà nước theo phương thức tập trung do Sở Tài chính thực hiện theo quy định hiện hành, ngày 31/8/2016 Sở Tài chính đã có công văn số 3034/STC-GCS - 31/08/2016 gửi các cơ quan, tổ chức, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc hướng dẫn đăng ký mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung do Sở Tài chính thực hiện. Theo đó, Sở Tài chính đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung lưu ý các nội dung sau:
I    Danh mục mua sắm tập trung của tỉnh do Sở Tài chính thực hiện:
a.    Xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, xe ô tô chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang (do ngân sách địa phương hỗ trợ). 
b.    Bộ bàn ghế ngồi làm việc.
c.    Bộ bàn ghế ngồi tiếp khách.
d.    Bộ bàn ghế họp, hội trường.
e.    Máy vi tính để bàn (gồm cả bàn máy vi tính và thiết bị lưu điện).
f.    Máy vi tính xách tay (hoặc thiết bị điện tử tương đương).
g.    Máy in.
h.    Máy photocopy.
i.    Máy chiếu; các thiết bị trình chiếu; thiết bị tương tác máy chiếu, màn hình chiếu.
II    Nguồn kinh phí mua sắm tập trung do Sở Tài chính thực hiện:
-    Kinh phí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
-    Nguồn công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương.
-    Nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách nhà nước mà nhà tài trợ không có yêu cầu mua sắm khác với quy định tại Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
-    Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên; nguồn kinh phí từ Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.
-    Nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập.

III    Cách thức thực hiện mua sắm tập trung: 
    - Yêu cầu trong mua sắm tập trung được quy định tại Điều 3 Thông tư số 35/2016/TT-BTC.
- Việc mua sắm tập trung đối với tài sản thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp địa phương do Sở Tài chính thực hiện được áp dụng theo cách thức ký thỏa thuận khung. Đơn vị mua sắm tập trung (Sở Tài chính) tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu được lựa chọn (trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung), tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì tài sản từ nhà thầu được lựa chọn.
IV    Hướng dẫn quy trình thực hiện mua sắm tập trung của tỉnh do Sở Tài chính thực hiện:
1. Lập, phê duyệt dự toán mua sắm tập trung:
Được quy định tại Điều 7 Thông tư số 35/2016/TT-BTC:
“1. Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, nhu cầu và hiện trạng sử dụng tài sản, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đề xuất nhu cầu mua sắm tài sản cùng với việc lập dự toán ngân sách hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; trong đó, xác định cụ thể chủng loại, số lượng, dự toán kinh phí mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung.
2. Cấp có thẩm quyền quyết định giao dự toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu và đủ điều kiện được mua sắm tài sản”.
1. 1 Đối với nguồn vốn chi thường xuyên:
Trên cơ sở dự toán cấp có thẩm quyền giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, thủ trưởng cơ quan đơn vị phê duyệt dự toán mua sắm đối với tài sản có nhu cầu mua sắm thuộc danh mục tải sản mua sắm tập trung (gồm: chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá) và cung cấp cơ sở để xác định giá mua sắm (chứng thư thẩm định giá hoặc ít nhất 03 báo giá của nhà cung cấp hoặc giá gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất tối đa không quá 30 ngày ).
1.2 Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển:
Dự toán được duyệt là kết quả phê duyệt Báo cáo Kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng của cấp có thẩm quyền; Chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn công trình: Mua sắm tài sản và kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản (đã được thông báo vốn), Kế hoạch vốn đầu tư  và Chứng thư thẩm định giá.
2. Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung: 
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 35/2016/TT-BTC, cụ thể:
“Căn cứ thông báo dự toán mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung gửi cơ quan quản lý cấp trên (sau đây gọi là đầu mối đăng ký mua sắm tập trung) để tổng hợp gửi đơn vị mua sắm tập trung (là Sở Tài chính).
Nội dung chủ yếu của văn bản đăng ký mua sắm tập trung bao gồm:
a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản sau khi hoàn thành việc mua sắm;
b) Chủng loại, số lượng tài sản mua sắm tập trung;
c) Dự toán, nguồn vốn thực hiện mua sắm tập trung và phương thức thanh toán;
d) Dự kiến thời gian, địa điểm giao, nhận tài sản sau khi hoàn thành mua sắm và các đề xuất khác (nếu có).”
Trên cơ sở đó, Sở Tài chính hướng dẫn quy trình đăng ký và tổng hợp kế hoạch mua sắm tập trung như sau:
2.1 Các cơ quan đơn vị trực tiếp sử dụng:
Các cơ quan đơn vị trực tiếp sử dụng có nhu cầu mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung do Sở Tài chính thực hiện; tổng hợp gửi cơ quan đơn vị cấp trên (Các Sở ban ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, gọi tắt là đầu mối đăng ký mua sắm tập trung). Hồ sơ, tài liệu gửi về cơ quan đầu mối đăng ký mua sắm tập trung gồm:
+ Văn bản đề nghị mua sắm của cơ quan đơn vị;
+ Bảng đăng ký đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung Mẫu số 01/ĐK/MSTT: Dành cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản (bao gồm đầy đủ thông tin theo yêu cầu và đề xuất khác nếu có).
+ Chủ trương hoặc Quyết định mua sắm cấp có thẩm quyền (căn cứ phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại các Điều 5, Điều 13, Điều 20 Quyết định số 03/2016/QĐ-UBND ngày 26/01/2016 của UBND tỉnh) hoặc Kế hoạch vốn, Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật danh mục dự toán mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2.2 Các đơn vị đầu mối tổng hợp, đăng ký kế hoạch mua sắm:
Sau khi nhận đăng ký của đơn vị trực thuộc, đối chiếu tiêu chuẩn định mức và dự toán mua sắm, đơn vị đầu mối tổng hợp lập Hồ sơ, tài liệu gửi về Sở Tài chính để đăng ký nhu cầu mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung do Sở Tài chính thực hiện, gồm:
+ Văn bản đề nghị mua sắm của cơ quan đơn vị;
+ Bảng đăng ký đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung Mẫu số 02/TH/MSTT: Dành cho cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản (bao gồm đầy đủ thông tin theo yêu cầu và đề xuất khác nếu có).
2.3 Thời hạn tổng hợp đăng ký:
2.3.1. Đối với các tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung quốc gia:
Các đơn vị đầu mối tổng hợp gửi Hồ sơ, tài liệu về Sở Tài chính trước ngày 31/01 hằng năm (đính kèm Mẫu số 01b/TH/MSTT Thông tư 35/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính), để Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài chính trước ngày 28/02 hằng năm kịp tổng hợp vào kế hoạch mua sắm tập trung toàn quốc.
2.3.2. Đối với các tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung của tỉnh:
a.    Trong năm 2016:
+ Đối với tài sản thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung của tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước ngày 30/6/2016 thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục tự thực hiện mua sắm theo quy định hiện hành. 
+ Kể từ ngày 01/7/2016, Các đơn vị đầu mối tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung và chủng loại tài sản cần mua tổng hợp lập Hồ sơ, tài liệu gửi về Sở Tài chính trước ngày 30/9/2016. Sau thời hạn trên, Sở Tài chính sẽ không thực hiện việc tiếp nhận nhu cầu mua sắm tập trung năm 2016.
b.     Trong  năm 2017:
Các đơn vị đầu mối tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung và chủng loại tài sản cần mua tổng hợp lập Hồ sơ, tài liệu gửi về Sở Tài chính, với Đợt 1 trước ngày 15/02 và Đợt 2 trước ngày 31/7 để tổng hợp kế hoạch mua sắm tập trung của tỉnh.
Trường hợp sau ngày 31/7: Các cơ quan đơn vị được cấp bổ sung kinh phí, hoặc sử dụng từ nguồn kinh phí tiết kiệm được, có nhu cầu phát sinh mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung do Sở Tài chính thực hiện thì được phép áp dụng kết quả trúng thầu của lần đấu thầu gần nhất của Sở Tài chính thực hiện đối với tài sản mua sắm tập trung để thực hiện mua sắm tập trung tại đơn vị mình theo quy định. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm số lượng, giá trị và phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước theo quy định.
3. Lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu: 
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 35/2016/TT-BTC:
- Sở Tài chính lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung thuộc địa phương.
4. Ký kết thỏa thuận khung về mua sắm tập trung: 
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 35/2016/TT-BTC:
- Thỏa thuận khung về mua sắm tập trung được ký kết giữa đơn vị mua sắm tập trung là Sở Tài chính và nhà thầu cung cấp tài sản được lựa chọn.
- Sở Tài chính có trách nhiệm: Gửi thông báo đến các đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung.
- Trên cơ sở thông báo bằng văn bản của Sở Tài chính, các đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung thông báo cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản biết để ký hợp đồng mua sắm tài sản.
5. Ký kết hợp đồng mua sắm tài sản:
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản ký hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu đã được đơn vị mua sắm tập trung ký thỏa thuận khung. Trường hợp tại thời điểm ký hợp đồng mua sắm tài sản, giá bán tài sản do nhà cung cấp công bố thấp hơn giá trúng thầu mua sắm tập trung, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đàm phán với nhà thầu để giảm giá, bảo đảm giá mua không cao hơn giá do nhà cung cấp công bố tại thời điểm ký hợp đồng.
- Hợp đồng mua sắm tài sản được lập thành văn bản theo Mẫu số 04a/HĐMS/MSTT ban hành kèm theo Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính.
- Hợp đồng mua sắm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản được gửi 01 bản cho đơn vị mua sắm tập trung hoặc đăng nhập thông tin về hợp đồng mua sắm tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo Tài liệu hướng dẫn sử dụng của Bộ Tài chính. 
6. Việc thanh toán mua sắm tài sản; Bàn giao, tiếp nhận tài sản; Quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản và Bảo hành, bảo trì tài sản: 
Thực hiện theo quy định tại các Điều 13, Điều 14, Điều 15 và Điều 16  Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính.
Sở Tài chính đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã gửi đăng ký mua sắm tập trung cho Sở Tài chính nhưng không đúng hướng dẫn thì thực hiện đăng ký lại. Sở Tài chính sẽ không tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt đối với các trường hợp thực hiện sai như đã hướng dẫn.
Các nội dung khác không nêu tại công văn này thì thực hiện theo Thông tư số 35/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, công văn số 2262/STC-GCS ngày 04/7/2016 của Sở Tài chính Bình Định và văn bản khác có liên quan.

Nội dung chi tiết Công văn 3304/STC-GCS, mời xem tại đây

- Ths Nguyễn Ngọc Thọ, P.TP Quản lý giá và công sản