In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Bình Định tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 04, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 năm 2025.

Bài đăng vào lúc: 09:17:00, ngày: 08/05/2025 GMT +7


        Chiều ngày 07/4/2025, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 04, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 năm 2025 trên địa bàn tỉnh
        Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng và đồng chí Lâm Hải Giang Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
 

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu UBND tỉnh
        Đồng chí Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở Tài chính báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mặc dù trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển, đạt được những kết quả nổi bật.
        Các địa phương đang tập trung thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, đạt 46,6% diện tích thực hiện, năng suất ước đạt 73,4 tạ/ha, tương đương cùng kỳ; đang triển khai sản xuất vụ Hè Thu; thực hiện các biện pháp đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân trong mùa nắng nóng. Sản lượng khai thác thủy sản tháng 4 ước đạt 25.522,9 tấn, tăng 2,6% (+634,9 tấn); lũy kế 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 85.554,1 tấn, tăng 2,5% (+2.068,7 tấn) so với cùng kỳ.
        Hoạt động sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 2,96% so với tháng trước (tháng 3/2025) và tăng 8,46% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,72% so với cùng kỳ nhờ các sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng cao như: Gạch ốp lát tăng 373,82%; Cấu kiện thép tăng 70,62%; Tấm lợp bằng kim loại 32,69%; Tôm đông lạnh 70,79%; Quần tất, quần áo nịt, bít tất dài, ngắn dệt kim hoặc móc tăng 31,58%;...
        Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 10.588,6 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 40.271,8 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ và đạt 31,8% kế hoạch năm (126.600 tỷ đồng). Xét theo ngành kinh doanh, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 4 ước đạt 7.954 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.614 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ; dịch vụ lữ hành ước đạt 94 tỷ đồng, tăng 12,3%; hoạt động dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 926 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ.
        Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 161,4 triệu USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ (nguyên nhân là do nước Mỹ ban hành chính sách thuế quan mới áp dụng lên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã gây ra những tác động đối với hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh). Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 616,6 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ và đạt 36,1% kế hoạch năm. Một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Hàng thủy sản tăng 44,5%; Hàng dệt, may tăng 33,2%; Gạo tăng 7%;... Một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Gỗ giảm 18,6%; Sản phẩm gỗ giảm 5,9%; Sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 8%;...
        Trong tháng 4/2025, lượng khách tham quan, du lịch đến Bình Định ước đạt 999.370 lượt tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2024 (tháng 4/2024: 891.500 lượt); trong đó: khách quốc tế đạt 10.843 lượt khách, trong đó, khách lưu trú qua đêm tại các khách sạn đạt 7.478 lượt; khách tham quan các điểm du lịch đạt: 3.365 lượt; khách nội địa ước đạt 988.527 lượt khách, tăng 12,2% với cùng kỳ năm 2024. Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2025, khách du lịch đạt 4.204.065 lượt khách, tăng 14,2% với cùng kỳ năm 2024, trong đó: khách quốc tế: 39.860 lượt (trong đó: 29.071 lượt lưu trú qua đêm tại các cơ sở lưu trú và 10.789 lượt tham quan tại các khu, điểm du lịch) tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024; khách nội địa: 4.164.205 lượt, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch 4 tháng đầu năm 2025 đạt 10.172 tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024.
        Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 là 5.995,9 tỷ đồng, đạt 34,4% dự toán năm, tăng 50,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại, xổ số kiến thiết) là 3.008,5 tỷ đồng, đạt 33,5% dự toán năm, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Riêng thu tiền sử dụng đất là 2.738,8 tỷ đồng, đạt 38,0% dự toán năm, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu là 137 tỷ đồng, đạt 14,4% dự toán năm, bằng 55,4% so với cùng kỳ.
        Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý 4 tháng đầu năm 2025 là 2.062,4 tỷ đồng. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (8.412,5 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 24,5%; so với Kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (9.477,5 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 21,76% kế hoạch vốn, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 14,3%. Trong đó, giải ngân nguồn vốn ngân sách địa phương là 21,3% (trong đó: từ nguồn thu tiền sử dụng đất là 19,5%; nguồn xổ số kiến thiết là 37,4% kế hoạch năm).
        Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tháng, tỉnh đã tổ chức chương trình Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Tập đoàn Syre (Thụy Điển) về Dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester công suất dự kiến 250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến 1 tỷ USD, dự kiến đi vào vận hành cuối năm 2028, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vốn FDI vào Bình Định. Lũy kế từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh thu hút 37 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 13.631 tỷ đồng (tăng 105,5% về số dự án thu hút đầu tư mới và 408,57% về tổng số vốn đăng ký đầu tư so với cùng kỳ năm 2024); trong đó: có 31 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đăng ký 11.728,8 tỷ đồng và 06 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.902,1 tỷ đồng (tương đương 75,95 triệu USD).
Theo kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, chỉ số PCI của tỉnh Bình Định năm 2024 đạt 68,10 điểm, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố của cả nước (giảm 2 bậc so với năm 2023).
        Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi nhằm chào mừng các ngày Lễ lớn của cả nước và của tỉnh, nhất là Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định. Công tác phòng, chống dịch bệnh được tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả. Đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định, nhất là trong dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ 30/4 - 01/5/2025. Đã tổ chức chu đáo hoạt động thăm, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu, người có công trên địa bàn tỉnh và viếng Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Quy Nhơn nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Công tác xóa nhà tạm nhà dột nát (số liệu đến ngày 29/4/2025): Tổng số hộ thực hiện: 4.412 hộ (xây mới: 2.535 hộ; sửa chữa: 1.877 hộ). Khởi công và đang thực hiện: 4.412 hộ (xây mới: 2.535 hộ; sửa chữa: 1.877 hộ), đạt 100%. Đã hoàn thành đưa vào sử dụng: 3.608 hộ (xây mới: 1.773 hộ; sửa chữa: 1.835 hộ), đạt 82%
        Sau khi ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, Lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh 3 tháng tới là bước ngoặc rất quan trọng, do đó các sở, ban, ngành và địa phương tập trung sắp xếp tỉnh, xã; triển khai bộ máy mới; tiếp tục tập trung triển khai các công việc đảm bảo tăng trưởng, đồng thời chỉ đạo các ngành như sau:
Lĩnh vực nông nghiệp: chỉ đạo vụ Hè Thu, tập trung cho chăn nuôi, kiểm soát tốt dịch bệnh. Trồng rừng gỗ lớn, phòng cháy rừng. Chống khai thác thủy sản IUU, phục vụ đoàn kiểm tra trong tháng 9/2025. Hiện nay còn một số xã khẩn trương hoàn thành hồ sơ để công nhận nông thôn mới. Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các địa phương thực hiện việc xử lý rác khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, tránh tình trạng ảnh hưởng môi trường; tập trung lực chọn nhà đầu tư theo quy định nhà máy rác Long Mỹ. Khẩn trương hoàn chỉnh dữ liệu quản lý đất đai.
        Lĩnh vực công nghiệp: Tiếp tục quan tâm gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời giải quyết (hoặc tham mưu đề xuất) tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà máy duy trì hoạt động, phát huy tối đa công suất; theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai nhằm sớm đưa vào hoạt động (phấn đấu năm 2025 có 55 nhà máy, trong đó có 15 dự án trọng điểm, đi vào hoạt động).
        Lĩnh vực dịch vụ và thương mại: Tiếp tục theo dõi tình hình hoạt động thương mại, diễn biến thị trường và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh; theo dõi, nắm bắt tình hình dự trữ hàng hóa đảm bảo cung ứng nguồn lương thực, hàng hóa; nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ cho công tác cứu trợ khẩn cấp khi có xảy ra trên địa bàn tỉnh; đồng thời tham mưu, đề xuất các biện pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
        Lĩnh vực xây dựng: sở xây dựng triển khai thực hiện chi tiết các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Xây dựng sớm có ý kiến Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Phù Mỹ - Giai đoạn 1, để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định. Thường xuyên theo dõi, làm việc với nhà đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm hoàn thành đưa vào khai thác.
        Về Tài chính ngân sách: Triển khai kịch bản thu NSNN năm 2025 cụ thể theo từng tháng, đồng thời chỉ đạo sâu sát quá trình triển khai thực hiện để phấn đấu thu NSNN vượt so với dự toán được HĐND tỉnh giao. Đẩy mạnh các biện pháp tăng thu ngân sách, nhất là thu thuế công thương nghiệp - ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản thu khác; kích thích tạo nguồn thu mới; tăng cường công tác quản lý thu và chống thất thu ngân sách nhà nước. tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, triển khai thực hiện các dự án trọng điểm về thương mại, dịch vụ, du lịch, như: Dự án dự án Khu văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí kết hợp thương mại dịch vụ, du lịch tại xã Cát Hải và xã Cát Thành, huyện Phù Cát; dự án khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế tại khu vực đầm Đề Gi, huyện Phù Cát; dự án dịch vụ du lịch tại La Vuông, xã Hoài Sơn và Bãi Con, xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn;… Đồng thời, tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh.
        Văn hóa thể thao du lịch: Chủ động tham mưu kế hoạch tổ chức định kỳ mỗi tháng ít nhất một sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển du lịch của địa phương, nhằm thu hút du khách và thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Lựa chọn các loại hình hoạt động phong phú, hấp dẫn, mang bản sắc địa phương như: lễ hội truyền thống, giải thể thao phong trào và chuyên nghiệp, chương trình biểu diễn nghệ thuật, hội chợ – triển lãm du lịch, ẩm thực,..
        Khoa học công nghiệp: tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 17/02/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 26/02/2025 của UBND tỉnh về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, gắn với thực hiện Kết luận số 469-KL/TU ngày 17/02/2025 của Tỉnh ủy về Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2025 – 2030. Tiếp tục triển khai công tác đào đạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sử dụng các ứng dụng AI cho lãnh đạo, cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh, phục vụ kịp thời, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc.
        Giáo dục: tiếp tục rà soát, đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ để triển khai tốt các nhiệm vụ năm học 2024 - 2025; đảm bảo dạy học an toàn, đúng theo chương trình, đảm bảo chất lượng. Tập trung cho thi học kỳ, cho kỳ thi đầu cấp, đặc biệt kỳ thi THPT quốc gia.
        Y tế: Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, sự hài lòng của người dân, bảo đảm an toàn tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Tăng cường các giải pháp ngăn ngừa, xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, bếp ăn tập thể, trường học. Khẩn trương triển khai việc chuyển các Trung tâm y tế huyện về Sở Y tế để quản lý.
        An sinh xã hội: tập trung nhiệm vụ giảm nghèo chăm lo đối tượng có công. Tổng kết xóa nhà tạm, nhà dột..
        Cải cách hành chính: Tập trung khẩn trương đề xuất triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nội vụ về tình hình triển khai, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
        Giao thông: tăng cường công an tỉnh liên quan các khu vực chỉ đạo chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu địa bàn dân cư, chống điểm đen. Kiềm chế tai nạn giao thông. Có phương án phòng cháy chữa cháy rừng
        Các địa phương hoàn thiện phương án sắp xếp các đơn vị, rà soát . sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
        Tập trung phát huy tinh thần “thần tốc” trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; quyết liệt đổi mới căn bản cách thức chỉ đạo, điều hành xử lý công việc, nhiệm vụ chuyên môn.
Nguyễn Thị Bình – Phòng Tổng hợp