In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Hoàn thiện phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa

Bài đăng vào lúc: 10:56:20, ngày: 17/07/2015 GMT +7


Xác định giá trị doanh nghiệp trong cổ phần hóa là công việc hết sức quan trọng và mất rất nhiều thời gian trong cả kế hoạch cổ phần hóa, quyết định đến sự thành công khi chuyển DNNN sang công ty cổ phần.

Như chúng ta đã biết, cổ phần hóa về thực chất là quá trình chuyển DNNN từ sở hữu nhà nước sang sở hữu của các cổ đông kể cả người lao động trong doanh nghiệp và các nhà đầu tư bên ngoài. Đây là quá trình chuyển giao sở hữu, do vậy đòi hỏi phải xác định cho được giá trị vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, đảm bảo bảo toàn được vốn nhà nước và thu hút đông đảo các nhà đầu tư tham gia đóng góp cổ phần.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác định đúng giá trị doanh nghiệp, vừa tránh thất thoát vốn nhà nước và cổ đông có thể chấp nhận được. Chỉ có thông qua cơ chế thị trường và do thị trường điều tiết thì mới phản ảnh được giá trị thực của doanh nghiệp. 
Xuất phát từ quan điểm thị trường mà trong thời gian dài thực hiện chương trình cổ phần hóa của nhà nước, Bộ Tài chính đã từng bước hoàn thiện cơ chế, phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên cho đến nay, việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mà phía nhà nước cần phải hoàn thiện. 

Theo quy định hiện hành của Nhà nước thì có 03 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, đó là: phương pháp tài sản; phương pháp dòng tiền chiết khấu và phương pháp khác. Tuy nhiên, trong thực tế phương pháp khác là phương pháp gì và chưa có doanh nghiệp nào xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp khác. Trong 02 phương pháp còn lại thì phương pháp tài sản là phương pháp gốc, nghĩa là khi xác định theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì giá trị doanh nghiệp cũng không được thấp hơn phương pháp tài sản. Khi xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản nhà nước có quy định:  Giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa là giá trị toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hóa có tính đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp mà người mua, người bán cổ phần đều chấp nhận được.

Giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa là giá trị thực tế của doanh nghiệp sau khi đã trừ các khoản nợ phải trả, số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi và số dư nguồn kinh phí sự nghiệp (nếu có). Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính thì việc tính đến “khả năng sinh lời” chỉ mang tính định tính không có tính định lượng. Đây là khó khăn và mang tính chủ quan của đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

Đối với phương pháp tài sản thì: Giá trị thực tế tài sản được xác định bằng đồng Việt Nam theo nguyên tắc giá thị trường. Tài sản đã hạch toán bằng ngoại tệ được quy đổi thành đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Đối với tài sản là sản phẩm xây dựng cơ bản thì dựa và đơn giá xây dựng cơ bản, suất đầu tư do cơ quan có thẩm quyền quy định tại thời điểm gần nhất với thời điểm định giá đối với tài sản là sản phẩm xây dựng cơ bản. Trường hợp chưa có quy định thì tính theo giá sổ sách, có xét thêm yếu tố trượt giá trong xây dựng cơ bản. 

Như vậy, theo các quy định hiện hành thì khi xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản cần giải quyết cho được 02 vấn đề sau:

Thứ nhất: xem xét đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp mà người mua và người bán cổ phần đều chấp nhận được. Nói đến khả năng sinh lời là nói đến hiệu quả sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp mang lại. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ quản lý, công nghệ và quy mô vốn. Để định lượng được yếu tố này hàng năm Bộ Tài chính trên cơ sở tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh của khối DNNN thực hiện công bố lợi nhuận bình quân ngành; tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước cho từng ngành. Đồng thời, bổ sung quy định trong xác định giá trị doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp có lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận cá biệt cao hơn mức bình quân ngành thì tăng thêm tỷ lệ % của giá trị tài sản; tương tự, trường hợp doanh nghiệp có lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận cá biệt thấp hơn mức bình quân ngành thì giảm theo tỷ lệ % của giá trị tài sản. Phần trăm tăng, giảm này chỉ giới hạn ở mức 30%.

Thứ hai: Đối với tài sản là sản phẩm xây dựng cơ bản mà nhà nước chưa có quy định thì tính theo giá sổ sách, có xét thêm yếu tố trượt giá trong xây dựng cơ bản. Đây là quy định không rõ ràng gây khó khăn trong thực hiện. Ở đây cần xét ở nhiều khía cạnh: tính theo giá sổ sách; tính theo giá sổ sách nhân với trượt giá trong xây dựng cơ bản; tính theo giá sổ sách nhân với một phần trượt giá trong xây dựng cơ bản.

- Đối với trường hợp tính theo giá sổ sách: quy định này là phù hợp, chỉ tính lại chất lượng của tài sản theo thực tế.

- Đối với trường hợp tính theo giá sổ sách nhân với trượt giá trong xây dựng cơ bản: Trong những năm vừa qua trượt giá trong xây dựng cơ bản là khá cao nên tính theo quy định này dẫn đến tă
ng gấp 3 đến 5 lần giá theo sổ sách. Việc này là không phù hợp với thực tế tại các doanh nghiệp.
Do vậy, đối với trường hợp này nên quy định tính theo giá sổ sách nhân với tỷ lệ thực tế của tài sản. 
Ngoài ra, việc xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hoá hiện nay mới dừng lại ở 02 phương pháp cơ bản là: phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu nên trong một số trường hợp còn mang tính chủ quan dẫn đến kết quả thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến hiện tượng: người lao động trong doanh nghiệp sẽ mua hết số cổ phần được phép bán ra nếu kết quả xác định giá trị doanh nghiệp thấp; hoặc không bán được cổ phần nếu doanh nghiêp được định giá quá cao. Để khắc phục hạn chế này, Nhà nước cần hoàn thiên phương pháp định giá theo hướng gắn với thị trường thông qua hình thức đấu thầu theo lô trên thị trường chứng khoán. Áp dụng thêm một số phương pháp định giá mới như tính lãi suất trên cổ phiếu, phương pháp so sánh tương đương....nhằm hoàn thiện các phương pháp xác định giá trị. Đồng thời, có yêu cầu bắt buộc phải xác định giá trị theo ít nhất là 02 phương pháp nhằm kiểm tra tính hợp lý của kết quả trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.

CPH DNNN ở nước ta là một quá trình phức tạp và đặc thù. Nhà nước ta tiến hành CPH không phải để thu hẹp càng nhanh càng tốt khối DNNN, mà để đạt mục tiêu quan trọng là nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống DNNN hiện có. Do đó, CPH xong không có nghĩa là quá trình cải cách DNNN đã kết thúc. Quan trọng hơn là làm sao để DNNN sau CPH hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững.
                                                                        
Lê Trung Hậu – Phòng TCDN