In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Chuyến du khảo về nguồn thăm viếng các di tích lịch sử trên địa bàn thị xã An Nhơn

Bài đăng vào lúc: 07:32:10, ngày: 13/06/2017 GMT +7


Chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khối các cơ quan tỉnh Bình Định lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 – 2020 và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, Đoàn viên thanh niên về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các thế hệ đi trước , Chi đoàn Sở Tài chính phối hợp cùng Chi đoàn Sở Nội vụ, Chi Đoàn khối các cơ quan chính quyền thị xã An Nhơn tổ chức chuyến đi về nguồn thăm viếng các di tích lịch sử trên địa bàn thị xã An Nhơn vào ngày 03/6/2017. 

Mở đầu chuyến đi, các Đoàn viên thanh niên đã đến viếng, dâng hương tại Mộ tập thể 153 chiến sỹ đã hy sinh trong trận đánh tại Phương Danh – Đập Đá năm 1968 (người dân địa phương còn gọi là mộ Tổ anh hùng) được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2003. Công trình mộ tập thể liệt sĩ tiểu đoàn 6, trung đoàn 12, sư đoàn 3 Sao Vàng được xây dựng sau ngày quê hương An Nhơn được giải phóng để gìn giữ thi hài 153 liệt sĩ của tiểu đoàn 6 đã anh dũng hi sinh trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 tại khu vực Tây Phương Danh, phường Đập Đá (thị xã An Nhơn) được trùng tu, tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu thăm viếng của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các anh hùng liệt sĩ, góp phần động viên, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn nhớ về thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc.

 
Điểm đến tiếp theo của chuyến du khảo đến thăm viếng tại Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh (thôn Đại An, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn) – tiền thân của Đảng bộ thị xã An Nhơn, ra đời ngày vào ngày 20/10/1936. Chi bộ Hồng Lĩnh ra đời đã không ngừng hoạt động, từ phong trào vận động dân chủ (1936 - 1939) đến phong trào chống Pháp - Nhật (1939 - 1945), lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa, góp phần cùng với phong trào cách mạng trong toàn tỉnh làm nên cách mạng tháng Tám 1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân. Sự ra đời của Chi bộ Hồng Lĩnh không những có ý nghĩa lớn lao đối với An Nhơn, mà còn là sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Bình Định, ghi nhận một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng Bình Định. 
 
Hình ảnh tại Chị bộ Hồng Lĩnh

Di tích nơi thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh được UBND tỉnh xếp hạng ngày 12/5/1997. Qua nhiều lần sửa chửa, cải tạo, đầu tư mới đã hình thành nên quần thể khu di tích với Nhà tưởng niệm – nơi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Hồng Lĩnh, Nhà trưng bày – nơi lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về lịch sử ra đời, hoạt động của Chi bộ, những thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân An Nhơn đã đạt được qua các thời kỳ, Nhà khách – nơi nghỉ chân của khách tham quan để lắng nghe những giới thiệu sơ bộ về lịch sử hình thành của khu di tích lịch sử, chiêm ngưỡng tượng đồng khắc họa Chủ tịch Hồ Chí Minh và biết thêm về chân dung các đồng chí Bí thư An Nhơn qua các thời kỳ. 
 
    Điểm dừng chân cuối cùng của cuộc hành trình đưa các đoàn viên thanh niên đến Khu căn cứ An Trường với địa hình hiểm trở, dựa lưng vào dãy núi Sơn Triều, là vùng rừng núi tận cùng phía Tây – Nam huyện An Nhơn, phía Nam giáp huyện Vân Canh, phía Tây giáp huyện Tây Sơn. 
Với vị trí chiến lược quan trọng, An Trường không những được chọn là nơi trữ lương thảo, luyện tập nghĩa binh, tổ chức kháng chiến dưới thời Tây Sơn mà còn được chọn làm căn cứ địa cách mạng của tỉnh và huyện An Nhơn. Từ căn cứ An trường, phong trào cách mạng An Nhơn đã trưởng thành nhanh chóng: từ đấu tranh giữ gìn, củng cố lực lượng tiến lên khởi nghĩa từng phần, mở ra một thời kỳ mới cho phong trào các mạng địa phương; tạo tiền đề cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi. Với vị trí quan trọng trong lịch sử đấu tranh, yêu nước của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định, Khu căn cứ cách mạng An Trường được UBND tỉnh xếp hạng di tích vào ngày 10/9/2007.

Kết thúc chuyến hành trình về nguồn với bao nhiêu cảm xúc, niềm yêu thương, kính trọng và khâm phục vô bờ của thế hệ trẻ Việt Nam đối với bao lớp người, các chiến sĩ đã nằm xuống để hy sinh cho đất nước. Để từ đó, trong tâm trí mỗi thành viên của đoàn du khảo thầm hứa sẽ luôn ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã hy sinh hoặc đang mang trên mình những vết thương của chiến tranh, chung tay cùng cộng đồng để hỗ trợ những lớp người đi trước có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Đào Thị Yến Nhi – Phòng Quản lý Ngân sách