Trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có lĩnh vực tài chính luôn được chú trọng. Với tính năng hiện đại, những giải pháp công nghệ thông tin phù hợp đã tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời giúp quản lý hiệu quả, chính xác các thông tin về tài chính.
Với nhiệm vụ tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bình Định ban hành các cơ chế, chính sách, thực hiện các nghiệp vụ về điều hành ngân sách, tài chính, Sở Tài chính đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chuyên môn. Trong năm 2016, Sở Tài chính tỉnh Bình Định đã được Bộ Tài chính xếp hạng 7/63 về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ngành tài chính khối địa phương cả nước ( Chỉ số ICT Index in Finance 2016 được khảo sát trên 05 nhóm với 283 đối tượng, 68 chỉ tiêu).
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao ban hành các cơ chế, chính sách, thực hiện các nghiệp vụ về điều hành tài chính - ngân sách, Sở Tài chính luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn. Nhờ có những giải pháp công nghệ hiện đại phục vụ chế độ tổng hợp, báo cáo đã cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin về tài chính, tạo tiền đề cho Sở Tài chính trong việc tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách nhằm điều hành linh hoạt công tác tài chính - ngân sách.
Sở Tài chính đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thói quen áp dụng tin học trong xử lý công việc đối với cán bộ, công chức. Sở Tài chính đã ban hành các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm với phạm vi triển khai từ Sở đến các Phòng tài chính - kế hoạch huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn và áp dụng các chương trình công nghệ thông tin phục vụ công tác kế toán, quản lý tài sản nhà nước tới các đơn vị hành chính sự nghiệp của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng của ngành được xây dựng đồng bộ, dữ liệu luôn được bổ sung, hoàn thiện đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý. Việc triển khai công nghệ thông tin ở hầu hết các khâu nghiệp vụ đã mang lại lợi ích cho công tác tài chính, góp phần đưa nền hành chính tài chính tiến dần tới hiện đại, khoa học và hiệu quả, qua đó giúp Sở Tài chính giảm bớt áp lực trước khối lượng công việc theo yêu cầu của UBND tỉnh và Bộ Tài chính. Quá trình áp dụng các chương trình công nghệ thông tin vào công tác quản lý đã giúp nâng cao khả năng cung cấp số liệu trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: điều hành, quản lý thu - chi NSNN, quản lý công sản, quản lý giá, đầu tư.
Việc đẩy mạnh công nghệ thông tin cũng giúp Sở Tài chính đưa vào áp dụng triển khai và đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý tài sản công dưới 500 triệu đồng cho cấp xã; Hệ thống Quản lý vốn đầu tư XDCB cấp xã, tổng hợp tại cấp huyện, thị xã, thành phố và tỉnh; hệ thống văn phòng điện tử kết nối liên thông; triển khai thành công dịch vụ công mức độ 4 về lĩnh vực cấp mã số đơn vị sử dụng ngân sách; kê khai đăng ký giá; cung cấp thông tin đoạn mã Tabmis của chủ đầu tư; và lĩnh vực thẩm tra dự toán thu, chi ngân sách nhà nước khối tỉnh.
Ngày 07/2/2017, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 305/QÐ-UBND phê duyệt Kết quả đánh giá xếp hạng tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2016, trong số 17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Sở Tài chính là đơn vị dẫn đầu về xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin.
Có được kết quả như vậy, là do sự nỗ lực của cán bộ, công chức thuộc Sở Tài chính tỉnh Bình Định, sự quan tâm, chỉ đạo và có những chiến lược, định hướng đúng đắn về ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tài chính, UBND tỉnh; sự vào cuộc, sát sao của Lãnh đạo Sở Tài chính. Từ đó, đã giúp cho việc triển khai vận hành các phần mềm và hạ tầng công nghệ được ổn định, hiệu quả.
Bên cạnh đó, để đạt được kết quả này là do Sở Tài chính đã thường xuyên chú ý hoàn thiện kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm triển khai các ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn; duy trì hệ thống thông tin liên ngành giữa Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế... kết nối với Bộ Tài chính hoạt động có hiệu quả, góp phần trao đổi thông tin giữa các đơn vị.
Để tiếp tục duy trì thứ hạng đã đạt được, trong điều kiện ngân sách địa phương năm 2017 còn nhiều khó khăn, Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung, chương trình tin học đồng bộ, thống nhất trong ngành, đặc biệt là các ứng dụng phục vụ công tác thống kê, tổng hợp; bên cạnh đó sẽ chủ động xây dựng các phần mềm nhằm tin học hóa các quy trình công việc chuyên môn, hỗ trợ tốt nhất cho công tác quản lý, điều hành về tài chính - ngân sách. Triển khai cho CBCC tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm việc trên môi trường mạng cũng như cung cấp thông tin kịp thời, phong phú trên trang thông tin điện tử, nhất là tập trung cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về bán hồ sơ thầu qua mạng và đấu thầu qua mạng sẽ là những ưu tiên hàng đầu của Sở Tài chính trong năm 2017. Bên cạnh đó, Sở Tài chính đang tiếp tục rà soát các chỉ số thành phần xếp hạng thấp để có những biện pháp khắc phục phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn trong công tác quản lý, điều hành về tài chính - ngân sách./.
Phòng Tin học và Thống kê