Những sai phạm thường gặp trong công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.
Bài đăng vào lúc: 14:33:06, ngày: 17/07/2015 GMT +7
Công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành là khâu cuối cùng trong giai đoạn kết thúc đầu tư dự án, là công tác thẩm tra toàn bộ trình tự thủ tục thực hiện các cơ chế chính sách của Nhà nước phù hợp với từng thời kỳ thực hiện của dự án như hồ sơ pháp lý, nguồn vốn đầu tư của dự án, chi phí đầu tư của dự án, tình hình thanh toán vốn và công nợ của dự án,...
Các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đã được Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, các cơ quan, ban, ngành tại địa phương,... ban hành đầy đủ, tương đối chặt chẽ và phần lớn các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn trong lĩnh vực xây dựng đều tuân thủ theo các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, do năng lực và cách hiểu khác nhau nên mỗi chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn có cách tính từng loại chi phí đầu tư xây dựng cũng khác nhau không đúng quy định các văn bản Nhà nước đã ban hành. Chính vì vậy trong quá trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cho thấy có những sai phạm thường gặp về cách tính các chi phí như chi phí xây dựng, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác không đúng quy định, cụ thể như sau:
Theo báo cáo kết quả thẩm tra các dự án hoàn thành thì một số đơn vị tư vấn tính sai các chi phí lập tư vấn đầu tư xây dựng, trong đó chi phí lập Báo cáo kinh kế kỹ thuật, chi phí lập dự án không đúng quy định về loại và cấp công trình đã được cấp quyết định đầu tư phê duyệt tại quyết định đầu tư. Theo quy định hướng dẫn tại Quyết định 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và đầu tư xây dựng công trình quy định chi phí lập dự án, lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xác định theo định mức tỉ lệ phần trăm và nhân với chi phí xây dựng và chi phí thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong tổng mức đầu tư của dự án, trong Báo cáo kinh tế kỹ thuật được duyệt. Tuy nhiên, một số đơn vị tư vấn khi tính chi phí này đã tách riêng từng loại công trình trong dự án là không đúng quy định đã nêu trên. Mặt khác, chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng thuộc chi phí khác theo quy định tại 1Thông tư 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì chủ đầu tư khi tính chi phí kiểm toán quyết toán, chi phí thẩm tra quyết toán không cộng chi phí lãi vay vào tổng mức đầu tư do đó làm cho tỉ lệ định mức chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán và chi phí kiểm toán nhân với tỉ lệ định mức tăng, từ đó làm cho hai chi phí này tăng cao (chi phí lãi vay đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư: 2BOT, 3BTO, 4BT,.. hoặc dự án đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài).
Ngoài ra, hiện nay một số công trình xây dựng chậm tiến độ thi công công trình gây chậm trễ công trình bàn giao đưa vào sử dụng và đã ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn đầu tư, gây nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài, không tất toán được tài khoản của dự án, không hạch toán tăng tài sản kịp thời cũng như việc theo dõi, quản lý tài sản sau đầu tư. Bên cạnh đó, việc chậm trễ tiến độ thi công đã dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, làm tăng chi phí đầu tư bổ sung phát sinh do kéo dài thời gian thi công ảnh hưởng đến thời gian quyết toán dự án hoàn thành. Đối với những công trình chậm tiến độ thi công khi thẩm tra chi phí xây dựng đặc biệt cần lưu ý việc tính bù chênh lệch giá nhân công, ca máy, giá nhiên, vật liệu không được tính phần khối lượng chậm trễ tiến độ do lỗi nhà thầu gây ra. Đồng thời, kiểm tra rà soát tiến độ chi tiết toàn bộ công trình theo từng phần công việc phải phù hợp với tiến độ thi công của hợp đồng, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Trường hợp tiến độ công trình chậm trễ do thực hiện các chủ trương của cấp quyết định đầu tư hoặc do nguyên nhân khách quan thì chủ đầu tư phải có báo cáo giải trình xác định rõ phần công việc được gia hạn tiến độ thực hiện như do công tác đền bù GPMB, do thời tiết, hỏa hoạn,...
Trong quá trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước thì mỗi dự án, công trình đều có những sai phạm, sai sót khác nhau. Với những lỗi mà các chủ đầu tư hay mắc phải mà bài viết này đã nêu ra tuy chưa thống kê hết nhưng hy vọng các đơn vị thực hiện đầu tư (chủ đầu tư) cần lưu ý khi quyết toán các chi phí theo đúng quy định các văn bản hiện hành của Nhà nước và không mắc các lỗi trọng yếu trong quá trình quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành./.
1Bài viết này có tính chất chia sẻ những kinh nghiệm cần lưu ý khi thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án đã được phê duyệt trước ngày 01/01/2015, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định tại Nghị định 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
2BOT: Hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao.
3BTO: Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh.
4BT: Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao.
Lê Thị Bích Thi - Phòng Tài chính Đầu tư