In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Hiệu quả trong việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng chữ ký số trong việc gửi nhận văn bản qua môi trường mạng

Bài đăng vào lúc: 15:42:01, ngày: 24/01/2018 GMT +7


Ngày nay việc ứng dụng CNTT trong CCHC tại các cơ quan, đơn vị là một nhu cầu tất yếu, mang lại nhiều tiện ích: giảm chi phí, thời gian, tăng tính tiện lợi cho người dân và các tổ chức trong việc giải quyết công việc. Ứng dụng công nghệ thông tin vừa là động lực, yếu tố thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, vừa là điều kiện để CCHC thành công. Tuy nhiên, các giao dịch điện tử trên môi trường mạng luôn tồn tại các nguy cơ về an toàn thông tin như: đánh cắp hoặc sửa đổi thông tin, mạo danh người gửi... Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có phương thức đảm bảo để thông tin, tài liệu trao đổi trên mạng được toàn vẹn, xác định được nguồn gốc và chống chối bỏ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch.
    Đối với văn bản giấy, việc xác thực được thông qua chữ ký tay của người gửi và con dấu của tổ chức. Đối với văn bản, tài liệu điện tử, thì việc xác thực được thực hiện bằng chữ ký số là giải pháp đảm bảo tính an toàn. Bởi vậy, chữ ký số ngày càng được áp dụng rộng rãi đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
    Để phát huy một cách hiệu quả công tác chỉ đạo và điều hành trên môi trường mạng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ngày 29/3/2017 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng chứng thư  số và chữ ký số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định; trong đó quy định các loại văn bản bắt buộc áp dụng chữ ký số được quy định tại Điều 8 Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND trao đổi trên hệ thống thông tin của tỉnh được xem là thông tin chính thức và có giá trị pháp lý như văn bản giấy, các cơ quan, đơn vị không cần gửi kèm bản giấy khi phát hành văn bản.
Trên cơ sở đó, từ ngày 01/10/2017 Sở Tài chính tỉnh thực hiện việc gửi văn bản điện tử đã được xác thực bằng chữ ký số trên Văn phòng điện tử liên thông và không gửi văn bản giấy khi phát hành văn bản; và là một trong những cơ quan trong tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng chữ ký số trên văn phòng điện tử liên thông vào công tác văn thư.

  
   Văn bản điện tử được ký số

Việc ứng dụng chữ ký số tại Sở Tài chính mang lại nhiều hiệu quả như: giảm chi phí văn phòng phẩm, tiết kiệm được chi phí gửi văn bản qua đường bưu điện. Giảm công sức lao động người đưa công văn, scan văn bản giấy, nhân bản công văn… ; rút ngắn được thời gian, phục vụ kịp thời cho công việc, nâng cao năng suất công việc;
Chữ ký số  còn được Sở Tài chính sử dụng vào công tác trả kết quả một cửa trên cổng thông tin điện tử của Sở Tài chính vào các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực kê khai đăng ký giá; cung cấp thông tin đoạn mã Tabmis của chủ đầu tư; và lĩnh vực thẩm tra dự toán thu, chi ngân sách nhà nước khối tỉnh; đảm bảo được mức độ an toàn, chính xác, không bị trễ hẹn với các cá nhân, doanh nghiệp khi tham làm việc tại cơ quan. áp dụng chứng thư số góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí  đi lại cho doanh nghiệp, đơn vị.

 
Quy trình ký số vào đoạn đoạn mã Tabmis của chủ đầu tư trả kết quả một cửa trên cổng thông tin điện tử của Sở Tài chính

Mặt khác, chữ ký số còn mang lại sự minh bạch, rõ ràng, bảo mật dữ liệu cá nhân, các dữ liệu chuyên môn trong công việc. Mang lại sự hài lòng cho người dân, đơn vị khi tham gia vào công tác hành chính tại cơ quan.
Cùng với quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản, tài liệu của các cơ quan nhà nước, việc triển khai ứng dụng chữ ký số tại Sở Tài chính sẽ góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, minh bạch trong công tác cải cách hành chính của tỉnh nhà.
Hơn nữa mô hình này còn tạo nên một môi trường trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin rộng rãi, nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời. Góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển tác phong làm việc chuyên nghiệp của cán bộ công chức hiện đại đáp ứng kịp với xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng số 4.0.

Trần Thị Trúc Liên - Văn phòng Sở Tài chính