Sáng ngày 06/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2025.
Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ
Tại điểm cầu tỉnh Bình Định có đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh; Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh (Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Chi cục Thống kê tỉnh, Chi cục Thuế khu vực XIII, Chi cục Hải quan khu vực XIII, Kho bạc Nhà nước khu vực XIII, Ngân hàng nhà nước khu vực X, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, các Ban Quản lý dự án Giao thông và Dân dụng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/ 2025; thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 25/NQ-CP; phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 đã đi qua được 1/4 thời gian, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan đối ứng cao, trong đó có Việt Nam, căng thẳng thương mại leo thang có thể gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Thủ tướng yêu cầu tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích bối cảnh, tình hình; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương; đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I/2025; phân tích bối cảnh tình hình hiện nay và dự báo quý II; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tháng 4, quý II và cả năm 2025. Lưu ý những việc cần làm ngay, trước mắt và lâu dài để ứng phó tình hình hiện nay trên thế giới, nhất là khả năng chiến tranh thương mại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo phải chỉ ra được nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương phải làm để đạt được mức tăng trưởng 8% trở lên.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tăng trưởng GDP Quý I ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, là kết quả tích cực, cao hơn kịch bản tại Hội nghị Trung ương 10 (6,2-6,6%) và là mức tăng trưởng Quý I cao nhất từ năm 2020 . Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới, khu vực. Khu vực nông, lâm, thủy sản Quý I tăng 3,74% so với cùng kỳ, công nghiệp và xây dựng tăng 7,42% (trong đó công nghiệp tăng 7,32%), dịch vụ tăng 7,67%. Tuy nhiên, tăng trưởng Quý I vẫn thấp hơn kịch bản tại Kết luận số 123-KL/TW (7,7%) do tình hình thế giới nhiều khó khăn, thách thức hơn, trong khi thời gian thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên chưa nhiều, đồng thời triển khai các nhiệm vụ quan trọng, phức tạp về sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân Quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ. Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, mặt bằng lãi suất cho vay mới có xu hướng giảm. Thu NSNN Quý I đạt 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 38,7% dự toán, tăng 34,5%, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu Quý I lần lượt tăng 13,7%, 10,6% và 17% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,16 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ; vốn thực hiện đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,2%. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ đạt tốc độ tăng khá, bám sát kịch bản ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Quý I tăng 9,9% so với cùng kỳ, thu hút khách du lịch quốc tế đạt trên 6 triệu lượt người, tăng 29,6%. Công nghiệp chế biến, chế tạo Quý I ước tăng 9,28%, duy trì tăng trưởng tích cực theo kịch bản (9,8%) và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Theo khảo sát Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3, nhiều doanh nghiệp đã gia tăng sản xuất, đẩy nhanh tiến độ các đơn hàng xuất khẩu để ứng phó với trường hợp Việt Nam bị Mỹ áp thuế. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội Quý I tăng 8,3% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều tốc độ tăng Quý I năm 2024 (5,5%); trong đó, vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 13,7%, gấp 3 lần tốc độ tăng cùng kỳ Quý I năm 2024 (4,5%).
Chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hoá, xã hội, du lịch, thể thao, thông tin, truyền thông. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong Quý I đã hỗ trợ vay vốn cho trên 530 nghìn đối tượng, tạo việc làm cho gần 180 nghìn lao động. Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tiếp tục được triển khai mạnh mẽ; đến nay, cả nước đã hỗ trợ xóa trên 168 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó khánh thành 81,6 nghìn căn nhà. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm Quý I lần lượt là 2,2% và 1,72%, giảm so với cùng kỳ ; thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng, cao hơn quý trước và cùng kỳ năm trước . Nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức gắn với thúc đẩy du lịch; các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tích cực chuẩn bị.
Tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan trong Quý I đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, hiệu quả, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý 1/2025, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình triển khai Nghị quyết 01 năm 2025, Nghị quyết 25 của Chính phủ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 3 và quý 1/2025; báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; cùng một số nội dung quan trọng khác…
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 03 bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng nỗ lực, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hoá người Việt Nam; "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Thứ hai, phải nắm chắc diễn biến tình hình, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sáng suốt, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng thời điểm; chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phân công nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả"; "làm việc nào ra việc đấy; làm việc nào dứt việc đó". Thứ ba, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh đoàn kết trong từng cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực với quan điểm: "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi"
Kết luận Hội nghi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 07 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
Thứ nhất, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Thứ hai, về ứng phó với các chính sách của các nước, nhất là thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nắm chắc tình hình, đề ra kế hoạch, giải pháp cả trước mắt và lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại, có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có trọng điểm và diện rộng; thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Coi đây là cơ hội để phấn đấu, vươn mình, vượt lên, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Thứ tư, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thứ năm, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ sáu, tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với ngân hàng SCB. Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng kéo dài, chống lãng phí; lưu ý triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị định số 76/2025/NĐ-CP về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xử lý các dự án tồn đọng kéo dài còn lại.
Thứ bảy, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các ngày lễ lớn của đất nước: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; Ngày Giải phóng miền Nam; Ngày Quốc tế lao động; Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ngày Truyền thống Công an nhân dân; Ngày Quốc khánh…
Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị khánh thành, khởi công 50 công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tổ chức trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền.
Nguyễn Thị Bình - Phòng Tổng hợp