In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Sở Tài chính tham gia Đoàn Công tác đi nghiên cứu các mô hình khu, cụm công nghiệp phát triển theo hướng sinh thái tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bài đăng vào lúc: 15:28:00, ngày: 26/04/2025 GMT +7


       Căn cứ Quyết định số 1072/QĐ-UBND ngày 27/3/2025 của UBND tỉnh về việc thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện các khu, cụm công nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh Bình Định; từ ngày 17 – 18/4/2025, Ban Quản lý Khu kinh tế (Tổ trưởng Tổ công tác) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Đoàn Công tác đi nghiên cứu các mô hình khu, cụm công nghiệp phát triển theo hướng sinh thái tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Sở Tài chính (ủy viên Tổ công tác) đã tham gia Đoàn công tác nêu trên, kết quả như sau:
       1. Qua làm việc với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty CP KCN Hiệp Phước, Công ty TNHH Giấy Xuân Mai, Đoàn công tác tóm tắt, đánh giá một số nội dung liên quan đến phát triển cụm công nghiệp sinh thái như sau:
       Khu công nghiệp Hiệp Phước với tổng diện tích 1.686 ha thuộc khu vực chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp cảng của Thành phố Hồ Chí Minh. Với mục tiêu phát triển một khu công nghiệp hiện đại, xanh, sạch và kiểu mẫu, Công ty CP KCN Hiệp Phước luôn chú trọng đến việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, tiện ích xã hội và đội ngũ nhân viên năng động, chuyên nghiệp nhằm mang đến cơ sở hạ tầng hoàn thiện và các dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển bền vững của nhà đầu tư.
       Tọa lạc tại Huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh, KCN Hiệp Phước tận dụng được hạ tầng phát triển của một thành phố lớn, phát triển nhất tại Việt Nam, kết nối với các vùng kinh tế khác qua hệ thống đường bộ, đường thủy và đường hàng không; từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh cho nhà đầu tư.
       Để phát triển KCN sinh thái theo hướng xanh và bền vững, Chủ Đầu tư Hạ tầng KCN Hiệp Phước đã mạnh dạn thực hiện một số nội dung như sau:
       - Dịch vụ xe bus đưa đón công nhân cho các công ty trong KCN Hiệp Phước;
       - Xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp;
       - KCN Hiệp Phước đứng ra thu gom chất thải cho các công ty trong KCN;
       - Tái sử dụng nước thải sau khi xử lý để tưới cây cho KCN, khu đô thị;
       - Phát triển năng lượng tái tạo cho các công ty trong KCN Hiệp Phước, KCN Hiệp Phước thu mua điện dư thừa cấp lại cho khu đô thị và các công ty có nhu cầu;
       - KCN Hiệp Phước chia sẻ dịch vụ cứu hỏa với đô thị lân cận;
       - Đào tạo nghề, dịch vụ, giới thiệu việc làm cho các DN trong KCN;
       - Sử dụng bùn thải từ quá trình nạo vét khu vực Cảng quanh KCN để bồi lấp trong KCN;
       - Tái sử dụng cát thải làm gạch không nung;
       - Phối hợp tổ chức các khóa đào tạo tập trung cho các Công ty trong khu công nghiệp;
       - KCN Hiệp Phước đầu tư hệ thống RO tái sử dụng nước thải sau xử lý;
       - Tái sử dụng gỗ phế liệu làm nguyên liệu cho lò hơi sinh khối;
       - Thu gom sắt thép phế liệu từ các Công ty trong Khu công nghiệp để tái chế;
       - Thu gom giấy phế liệu từ các Công ty trong Khu công nghiệp để tái chế.
       2. Kết quả làm việc và khảo sát thực tế cho thấy, để phát triển các KCN theo định hướng xanh, sinh thái và tuần hoàn và bền vững, cần có các trụ cột hỗ trợ như sau:
       2.1. Đối với quản lý nhà nước
       - Cần vận động để được các Bộ ngành trung ương lựa chọn một (hoặc nhiều) KCN của tỉnh phát triển theo hướng sinh thái. Trên cơ sở đó, các Bộ ngành sẽ kết nối đến các chương trình, dự án của các tổ chức tư vấn, đánh giá và giám sát thực hiện các quy chuẩn của K-CCN ST và doanh nghiệp sinh thái đối với K-CCN được lựa chọn.
       - Khẩn trương đề xuất các hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chí của K-CCN sinh thái và cộng sinh công nghiệp để các địa phương, Chủ Đầu tư Hạ tầng các K-CCN áp dụng, vận hành cho K-CCN phát triển theo hướng sinh thái. Ngoài ra, còn có đề xuất quy định cho phép nhập khẩu “rác thải”, phế liệu… nhưng lại là nguyên liệu đầu vào của một số dự án tại K-CCN sinh thái.
       - Khẩn trương xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các K-CCN sinh thái, các doanh nghiệp sinh thái và các doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.
       - Xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu phục vụ cho các K-CCN phát triển theo hướng sinh thái.
       - Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng K-CCN sinh thái, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp và người dân.
       - Hướng dẫn các chủ đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng K-CCN hoàn thiện các thủ tục liên quan, trong đó có điều chỉnh QHCT, đảm bảo các chỉ số về tỷ lệ môi trường, khí phát thải, tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch, cộng sinh công nghiệp… đảm bảo để K-CCN phát triển theo hướng sinh thái.
       2.2. Đối với các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng K-CCN phát triển theo hướng sinh thái và doanh nghiệp sinh thái
       - Cần xác định xu hướng phát triển theo hướng K-CCN sinh thái là tất yếu. Trong bối cảnh chung của các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Định, với sự gia tăng áp lực từ các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế xanh, KCN sinh thái đang được rất chú trọng để phát triển. Các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường được các nhà đầu tư FDI quan tâm, tìm kiếm. Do vậy, cần xác định mục tiêu tất yếu là phát triển KCN sinh thái tại Bình Định và khuyến khích hình thành các doanh nghiệp sinh thái tại các KCN trên địa bàn tỉnh.
       - Công bố công khai các quy định liên quan đến phát triển K-CCN phát triển theo hướng sinh thái và doanh nghiệp sinh thái. Trong đó, nêu rõ các nhiệm vụ, công việc thuộc trách nhiệm của CĐT hạ tầng K-CCN trong cộng đồng, an sinh xã hội để phục vụ nhu cầu chung của K-CCN (thu gom rác thải, chất thải nội khu, nhà ở xã hội, xe đưa đón công nhân…).
       - Sẵn sàng điều chỉnh quy hoạch và nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh QHCT K-CCN theo hướng sinh thái, làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp và thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của Tỉnh.
       - Tuyên truyền, vận động doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm phát thải ra môi trường.
Một số hình ảnh làm việc giữa Đoàn công tác và Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan:
 

Quang cảnh làm việc với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - 1




Quang cảnh làm việc với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - 2



Quang cảnh làm việc với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - 3



Quang cảnh làm việc với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - 4

 


Quang cảnh làm việc với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - 5



Đoàn công tác tham quan Nhà máy giấy Xuân Mai thuộc KCN Hiệp Phước



Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan
Đặng Công Hảo - Phòng Quản lý ngành