In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2014: Toàn ngành Tài chính tập trung triển khai 08 nhóm giải pháp TC-NS năm 2015

Bài đăng vào lúc: 10:56:50, ngày: 17/07/2015 GMT +7


Sáng ngày 24-12-2014, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (TC-NSNN) năm 2014, triển khai nhiệm vụ TC-NSNN năm 2015. Tham dự hội nghị có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các bộ ngành; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tại 58 điểm cầu trong cả nước; đại diện lãnh đạo một số Tập đoàn, Tổng công ty; đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.


Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN năm 2014

Theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình bày tại Hội nghị, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ngành Tài chính đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự phối hợp nhịp nhàng có hiệu quả của các ngành, các cấp, công tác tài chính - NSNN năm 2014 đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể trên các mặt chủ yếu như sau:

Toàn ngành Tài chính đã tập trung triển khai các giải pháp tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Theo đó, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SX-KD theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Trong điều hành, bám sát tình hình thực hiện, đã chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung một số giải pháp, chính sách về thuế nhằm thúc đẩy SX-KD, phát triển doanh nghiệp; định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Đặc biệt, ngay sau khi xảy ra việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển nước ta, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm quay lại hoạt động bình thường, qua đó tạo lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan; trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; khẩn trương hướng dẫn tổ chức thực hiện, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế.

Trong năm 2014, công tác thu, chi NSNN đã được điều hành quyết liệt; phấn đấu tăng thu; quản lý chi  chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Cụ thể, thu NSNN tính đến ngày 22/12/2014 là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán, bằng 98,2% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội; trong đó: thu nội địa đạt 105% dự toán, bằng 98,6% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 118,4% dự toán, bằng 94,3% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 104,5% dự toán, bằng 100,1% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội. Ước tính cả năm thu NSNN đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.

Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương; tăng cường quản lý thu, chống thất thu; tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế; tập trung xử lý nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế GTGT, hoạt động kinh doanh tạm nhập-tái xuất, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí và tài sản được giao chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi quy định; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Chi NSNN đảm bảo theo dự toán được giao. Trong điều hành, đã đảm bảo nguồn theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán được giao; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ, thiên tai, dịch bệnh gây ra; bổ sung kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh. Công tác huy động vốn được triển khai quyết liệt, nhờ đó đảm bảo nguồn bù đắp bội chi NSNN, đáp ứng nhu cầu cho đầu tư phát triển và các nhu cầu khác của NSNN. Khối lượng TPCP phát hành tăng 39%, kỳ hạn dài hơn.

Bên cạnh nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN Bộ Tài chính tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo khả năng trả nợ. Cụ thể, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Tình hình thực hiện vay, trả nợ năm 2013 và kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ năm 2014; hạn mức vay thương mại nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh năm 2014; Phê duyệt phương án tái cơ cấu nợ gốc trái phiếu quốc tế. Trên cơ sở đó đã tổ chức phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm, với lãi suất 4,8%/năm, thấp hơn khoảng 2%/năm so với mức lãi suất của các trái phiếu cũ. Trong điều hành, đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn (cả gốc và lãi) trong phạm vi dự toán; thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công; đảm bảo các chỉ tiêu nợ nằm trong giới hạn cho phép. Tăng cường quản lý chặt chẽ nợ của chính quyền địa phương. Hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc địa phương phát hành trái phiếu để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH. Đồng thời, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, nâng mức trần dư nợ huy động vốn cho một số địa phương trọng điểm thu.

Một số nhiệm vụ trọng tâm khác cũng đã được toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện và phối hợp thực hiện trong năm 2014, đó là: Tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát; Tái cơ cấu nền kinh tế (Tái cơ cấu đầu tư công;tái cấu trúc thị trường tài chính và tái cơ cấu DNNN);Đảm bảo an sinh xã hội;Công tác xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính; Đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách.

Riêng nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết liệt đẩy mạnh triển khai hiện đại hoá gắn với cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế: đã rà soát, hệ thống hoá 645 thủ tục hành chính;  đã rút ngắn 54% số giờ nộp thuế . Ước tính có khoảng 95% số doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế điện tử; đã thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử ở 18 địa phương.


Dấu ấn nỗ lực từ địa phương

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: Năm 2014, TP. Hà Nội triển khai quyết liệt các biện pháp về quản lý, đôn đốc thu NSNN trên địa bàn như tăng cường quản lý các khoản thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại và hàng giả; áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; thực hiện phân loại và phân tích nguyên nhân nợ để có giải pháp xử lý phù hợp và kịp thời; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính về thuế... Thu NSNN đạt 130.100 tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán Trung ương giao. Nếu loại trừ các yếu tố khách quan (khoản chênh lệch thu chi ngân hàng dự toán năm 2014 giao 10.000 tỷ nhưng dự kiến không phát sinh), các chỉ tiêu thu của thành phố đều đạt và vượt cao so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN được triển khai thường xuyên. Cả năm, tổng số tiền giảm, gia hạn các khoản thu từ đất là 6.269 tỷ đồng; gia hạn tiền thuế là 172 tỷ đồng; xóa nợ thuế là 16 tỷ đồng...

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2015, địa phương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thu ngân sách. Bên cạnh đó, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho phép giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2011-2012 đối với hộ gia đình, cá nhân thuê đất; giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2011 đối với tổ chức kinh tế, DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, đề nghị Bộ Tài chính xem xét có những cơ chế hỗ trợ hoặc xóa nợ đối với các trường hợp đặc biệt khó khăn như: người thuê đất ngừng kinh doanh, bỏ địa điểm kinh doanh, giải thể, DN thua lỗ nhiều năm liên tục...

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu: Với tinh thần tập trung trách nhiệm, TP.HCM sẽ triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm nhằm hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2015, góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ KT-XH 5 năm 2011-2015. Một số giải pháp TP. HCM sẽ triển khai cụ thể như sau:

Nhóm giải pháp thứ nhất là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các DN sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường, thị phần trong và ngoài nước, qua đó tạo ra những sản phẩm cung ứng cho xã hội, giải quyết lao động, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách.

Nhóm giải pháp thứ hai là tăng cường các giải pháp khai thác, quản lý nguồn thu, trong đó thanh tra, kiểm tra tập trung theo từng ngành, lĩnh vực trọng điểm nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thuế, tăng cường công tác thu nợ, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế để tiết giảm tối đa chi phí và thời gian kê khai thuế của DN, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Nhóm giải pháp thứ ba là đẩy nhanh tiến độ, tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu Nhà nước qua đó khai thác thêm nguồn lực từ nhà đất để bổ sung nguồn vốn cho chi đầu tư trên địa bàn thành phố.

Nhóm giải pháp thứ tư là tăng cường huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, khuyến khích, đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa đầu tư thông qua các phương thức BT, BOT, BTO, PPP...trong tất cả các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa...để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.

Trong công tác chi ngân sách sẽ điều hành theo đúng dự toán chi ngân sách, đúng tiêu chuẩn, chế độ, triệt để tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, giám sát chặt chẽ, xử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư thường xuyên rà soát xử lý các khoản tạm ứng ngân sách...


Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ TC-NS năm 2015

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhất mạnh: Năm 2015 có vị trí rất quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015, là năm thứ năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và chiến lược tài chính 10 năm 2011-2020 và là năm bản lề để tạo tiền đề thực hiện kế hoạch 2016-2020. Đồng thời, cũng là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn cấp quốc gia.

Bộ trưởng cũng nhận định: Tình hình hiện nay cho thấy, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2015 còn rất khó khăn, nguy cơ suy giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển là rất lớn do ảnh hưởng của các xung đột vũ trang và bất ổn chính trị. Giá cả hàng hoá thị trường thế giới biến động mạnh, đặc biệt là dầu thô và các mặt hàng năng lượng khác. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2015, thực hiện mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quốc phòng- an ninh trong tình hình mới, Bộ trưởng nhấn mạnh một số nhóm giải pháp toàn ngành Tài chính phải tập trung triển khai như sau:

Một là, tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp điều hành kinh tế- xã hội và NSNN trên tinh thần tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2%, cao hơn năm 2014, tạo đà để tăng trưởng đạt mức cao hơn trong giai đoạn 2016-2020; yêu cầu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 5%, ổn định tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư. Để đạt mục tiêu này, cần bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, của hệ thống chính trị ngay từ đầu năm; sự phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, tập trung tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, từ đó tạo nguồn thu ổn định, vững chắc cho ngân sách.

Hai là, điều hành thu NSNN quyết liệt, bảo đảm dự toán được giao. Căn cứ dự toán thu NSNN năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ giao; đề nghị các Bộ và địa phương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới theo đúng quy định, bảo đảm không thấp hơn so với dự toán được giao; phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động XNK ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý thu, chống thất thu, triển khai quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; tập trung xử lý để giảm được nợ đọng thuế; tổ chức kiểm tra chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong bối cảnh giá dầu đang giảm mạnh, rủi ro giảm thu do giá dầu giảm là rất lớn. Cần chủ động trong điều hành, có giải pháp phù hợp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thu NSNN; phấn đấu tăng thu nội địa, xuất nhập khẩu để thu đạt và vượt dự toán được Quốc hội quyết định

Ba là, quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Dự toán chi NSNN năm 2015 được Quốc hội quyết định là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, tăng 140,1 nghìn tỷ đồng (13,9%) so dự toán năm 2014 (song chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tăng chi tối thiểu). Do vậy, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt nguyên tắc triệt để, tiết kiệm, gắn với hiệu quả công việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ chi cho các hoạt động tổ chức đại hội, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, động thổ, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác; bố trí kinh phí tổ chức đại hội Đảng các cấp, tổ chức các ngày lễ lớn năm 2015 theo tinh thần triệt để tiết kiệm; yêu cầu các cơ quan, đơn vị có phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định); chi tiêu trong phạm vi dự toán được giao, hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán, đề xuất ứng trước dự toán năm sau. Kiểm soát chặt chẽ để giảm mạnh chi chuyển nguồn. Thực hiện công khai việc bố trí và sử dụng kinh phí ngân sách đi công tác nước ngoài của các cơ quan, đơn vị để tăng cường quản lý, giám sát. Thực hiện nghiêm chủ trương không tăng biên chế công chức, viên chức năm 2015, kể cả thành lập thêm tổ chức mới hoặc giao bổ sung nhiệm vụ mới.

Điều hành bội chi NSNN không quá 5%GDP. Trường hợp có tăng thu NSTW, xem xét ưu tiên để trả nợ và giảm bội chi NSNN; tiếp tục xử lý các khoản nợ của ngân sách, như nợ Quỹ hoàn thuế GTGT, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất 2 Ngân hàng chính sách, nợ ứng chi đầu tư XDCB...; các địa phương có tăng thu NSĐP thì phải ưu tiên bố trí xử lý nợ đọng XDCB, trả nợ các khoản huy động của địa phương. Quyết liệt công tác huy động vốn. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo trong giới hạn cho phép; bố trí thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu, nhất là cổ phần hoá, xác định giá trị doanh nghiệp, thoái vốn, xử lý công nợ, phá sản, giải quyết lao động dôi dư. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm đảm bảo việc triển khai theo đúng lộ trình đã được phê duyệt. Tăng cường chức năng quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước.

Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về thuế, hải quan, ngân sách, quản lý tài chính doanh nghiệp, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, dịch vụ kế toán, kiểm toán nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển đồng bộ thị trường vốn. Tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về thuế và hải quan, rút ngắn số giờ nộp thuế, phấn đấu trong năm 2015 đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6 (là 171 giờ/năm, trong đó rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 121,5 giờ; thời gian làm thủ tục bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ), tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

Sáu là, về tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, công khai, minh bạch. Tăng cường công tác quản lý thu, thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống gian lận thuế, chống buôn lậu, chuyển giá. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389). Kiểm soát chi chặt chẽ theo đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Tổ chức thực hiện tốt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện công khai, minh bạch; làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể; xử lý nghiêm các sai phạm; góp phần chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản của nhà nước và của nhân dân; củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Bảy là, về xây dựng kế hoạch tài chính- NSNN 5 năm giai đoạn 2016-2020, cần tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN 5 năm 2011-2015 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục rà soát hệ thống chính sách thuế và thu NSNN, bám sát mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập, đảm bảo minh bạch, đơn giản, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, đồng thời hạn chế các tác động tiêu cực của việc hội nhập. Đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngân sách, triệt để tiết kiệm chi; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư để phân bổ tập trung, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Đánh giá tổng thể kết quả thực hiện các chính sách ASXH, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; rà soát, cắt giảm, lồng ghép các chính sách, chương trình cho giai đoạn 2016-2020. Kiểm soát chặt chẽ để thực hiện mục tiêu giảm nợ công, đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ.

Tám là, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, dịch vụ công,...) theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu (tính đến ngày 22/12/2014 giá xăng đã giảm 6.330 đ/lít, giá dầu đã giảm 5.970 đ/lít so với đầu năm 2014), để tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, Bộ Tài chính đã có văn bản số 18757/BTC-QLG ngày 23/12/2014 gửi Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá xăng dầu.

Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong điều hành giá trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi, đảm bảo hoạt động SX-KD trước và sau Tết diễn ra bình thường. Theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường, kiểm soát giá trong dịp Tết, đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cân đối ngân sách các cấp, thực hiện tốt các chính sách ASXH, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, để nhân dân được đón Tết vui tươi, an lành.

Theo Bộ Tài chính