Ngày 08/12/2017, kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 83/NQ-HĐND về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:
- Tổng thu NSNN trên địa bàn là 6.775,5 tỷ đồng, bao gồm:
+ Thu từ hoạt động XNK 539 tỷ đồng;
+ Thu nội địa là 6.190 tỷ đồng;
+ Thu vay bù đắp bội chi 46,5 tỷ đồng.
- Tổng chi ngân sách địa phương là 11.300,4 tỷ đồng.
Nhằm thực hiện hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 được HĐND tỉnh giao, căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ, Sở Tài chính đề xuất một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2018 trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Thu ngân sách
- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và biện pháp thu ngân sách năm 2018 cụ thể trên từng địa bàn, theo từng lĩnh vực, sắc thuế; theo dõi sát sao tình hình thu ngân sách để có biện pháp kịp thời, đảm bảo thực hiện đạt dự toán thu ngân sách được HĐND tỉnh giao.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tạo chuyển biến rõ nét trong công tác kiểm tra việc kê khai thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, xử lý và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới mức Bộ Tài chính quy định.
- Cơ quan Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan để nắm bắt kế hoạch triển khai các dự án mới, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án trong Khu công nghiệp để có biện pháp quản lý thuế kịp thời.
- Tiếp tục thực hiện Đề án tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu bằng biện pháp dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo xăng dầu nhằm chống thất thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra thu phí, lệ phí, bảo đảm việc thu đúng quy định của Nhà nước.
- Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác thu, nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2116/QĐ-UBND ngày 14/6/2017 của UBND tỉnh.
- Thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp quản lý hoạt động cơ sở lưu trú và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 3139/QĐ-UBND ngày 30/8/2017 của UBND tỉnh; mở rộng triển khai Phần mềm quản lý cơ sở lưu trú qua mạng tại các khách sạn và cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh.
- Quản lý tốt việc khai thác và cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước. Đồng thời, xử lý các doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác quản lý giá: kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý giá; minh bạch hóa thông tin về giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
- Rà soát lại quỹ nhà, đất thuộc nhà nước quản lý để lập phương án sắp xếp, xử lý cho phù hợp.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, đầu tư kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu - cụm - tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có mặt bằng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
2. Chi ngân sách địa phương
- Thủ trưởng các Sở, Ban, đơn vị dự toán cấp I kịp thời giao dự toán thu, chi ngân sách cho các đơn vị trực thuộc đúng nội dung, trình tự và thời gian theo quy định của Luật NSNN. UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phân bổ kịp thời kinh phí bổ sung mục tiêu thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng.
- Thực hiện nghiêm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 91/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh. Chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước, chi chuyển nguồn theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật về đầu tư công, sớm phân bổ vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm sử dụng hết vốn được giao trong năm.
- Điều hành chi ngân sách theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị phải được rà soát chặt chẽ, đúng quy định. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
- Các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương của cấp mình để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương (nếu có). Ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định. Đồng thời, thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
- Các huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng dự phòng và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định; ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ khi các địa phương đã sử dụng dự phòng của địa phương để xử lý theo quy định.
- Đẩy nhanh việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công; trên cơ sở đó, thực hiện cơ cấu lại ngân sách trong từng lĩnh vực, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập, dành nguồn để tăng chi hỗ trợ các đối tượng chính sách trong sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, tạo nguồn cải cách tiền lương và tăng chi đầu tư, mua sắm để nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Đổi mới cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở kết quả đầu ra.
- Tiếp tục thực hiện tốt quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung tại Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính và các văn bản hướng dẫn của địa phương.
- Thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý giá theo hướng sát với giá thị trường, bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
- Tăng cường quản lý các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, bảo đảm công khai, minh bạch; tổ chức lại và đổi mới cơ chế quản lý các quỹ này, bảo đảm hoạt động đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, công khai ngân sách nhà nước theo quy định và các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Thanh tra các cấp.
- Tiếp tục cải cách hành chính và mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý chi ngân sách.
- Hệ thống Kho bạc Nhà nước trên địa bàn tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thanh toán vốn theo quy định; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ.
Phạm Văn Thành – Trưởng phòng Quản lý ngân sách