In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Tập trung quản lý hiệu quả nợ công và ngân sách

Bài đăng vào lúc: 10:26:18, ngày: 26/10/2017 GMT +7


Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Tài chính, khẳng định đây là mục tiêu, yêu cầu quan trọng nhất đặt ra trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19.6.2017 của Chính phủ về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính an toàn, bền vững trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Hoàng Nghi cho hay, Chương trình hành động (CTHĐ) được UBND tỉnh ban hành tháng 9.2017, với các mục tiêu cụ thể: Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 khoảng 11.000 tỉ đồng. Phấn đấu đủ chi thường xuyên và từng bước tích lũy cho đầu tư phát triển; riêng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 24%, chi thường xuyên dưới 70%, ưu tiên bảo đảm hoàn trả tạm ứng ngân sách, chi trả nợ vay, nợ xây dựng cơ bản, đồng thời bố trí vốn cho các công trình trọng điểm. Bảo đảm cân đối ngân sách, giảm dần bội chi ngân sách địa phương.

* Trên cơ sở của những mục tiêu nói trên, CTHĐ xoáy vào nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

- CTHĐ đề ra 6 giải pháp, gồm: Tạo môi trường và động lực phát triển KT-XH, tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tuyên truyền sâu rộng, tạo thống nhất nhận thức và hành động về chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, pháp luật về NSNN, quản lý nợ công; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm. Cơ cấu lại thu, chi NSNN, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn bền vững ngân sách của tỉnh; thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương, chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng chi thường xuyên. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương về tài chính - NSNN và nợ công. Kiện toàn bộ máy nhà nước và nhân sự, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - NSNN và nợ công.
6 giải pháp trên đều quan trọng và tác động hỗ trợ lẫn nhau, góp phần đảm bảo nền tài chính ngân sách địa phương và an toàn nợ công của tỉnh. Việc triển khai cần đồng bộ, bởi mỗi giải pháp có đối tượng, phạm vi tác động riêng trực tiếp hay gián tiếp vào các lĩnh vực, thành phần kinh tế.

* Một vấn đề quan trọng mà CTHĐ đặt ra là cơ cấu lại thu, chi NSNN, tăng cường quản lý nợ công. Nhưng làm thế nào để giảm chi, tăng thu và cân đối ngân sách của tỉnh khi trên thực tế của tỉnh chi đầu tư phát triển giảm, trong khi chi thường xuyên liên tục tăng?

- Thực trạng chung hiện nay của cả nước và Bình Định nói riêng là chi thường xuyên luôn cao hơn rất nhiều so với chi đầu tư. Cùng với đó, chi bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước còn rất lớn.


Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh là một trong 6 giải pháp của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP của UBND tỉnh.
- Trong ảnh: Sản xuất gạch không nung tại HTX sản xuất đá xây dựng Bình Đê (Hoài Nhơn).   Ảnh: VĂN LƯU

Để thực hiện từng bước giảm chi (chủ yếu chi thường xuyên), tăng thu và đảm bảo cân đối ngân sách, cần tập trung rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là nguồn thu mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và cải cách thủ tục hành chính trong thu nộp ngân sách. Có vậy mới tạo được nguồn thu vững chắc, là tiền đề tiến tới cân đối ngân sách!
 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải giảm tỉ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực dịch vụ hành chính sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ, tinh giản bộ máy, biên chế; nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong các lĩnh vực chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển. Cơ cấu lại chi ngân sách trong từng lĩnh vực, tập trung vào các dịch vụ thiết yếu, NSNN phải đảm bảo, hỗ trợ. Thực hiện hiệu quả kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn; từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH.

Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, từng bước thu hẹp phạm vi sử dụng nợ công, chỉ tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm, thực sự có hiệu quả, đảm bảo khả năng cân đối nguồn trả nợ.


* Ông cho rằng, cân đối ngân sách bền vững, tăng thu là một giải pháp quan trọng. Nhưng, liệu động viên nguồn thu vào thuế quá cao có làm giảm động cơ tiêu dùng, không khuyến khích sản xuất và rất khó đảm bảo được tính bền vững của quy mô thu NSNN; trong khi cùng với hỗ trợ bằng chính sách tài khóa, DN cần có các chính sách khác đi kèm để phát triển?

- Chủ trương chung hiện nay của Chính phủ là thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là nguồn thu mới. Việc điều chỉnh thuế suất chủ yếu là để thực hiện các cam kết khi gia nhập các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội kinh tế thế giới như ASEAN, ASEAN - Nhật Bản, WTO…
Trên thực tế, bên cạnh việc thực hiện chính sách thuế ưu đãi cho DN (miễn, giãn, giảm thuế), Chính phủ còn có chủ trương rà soát, cắt giảm chi phí cho DN. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát các loại phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh có liên quan trực tiếp đến chi phí DN theo Chỉ thị số 26/CT-TTg. Trên cơ sở đó đã đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thời gian, mức thu đối với 2 loại phí từ năm 2018, gồm: không thu phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đối với sản phẩm sữa tươi; giảm bình quân 15% mức thu phí thẩm định, đánh giá trữ lượng khoáng sản. Riêng các loại phí thuộc thẩm quyền địa phương, Sở Tài chính đang tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh kỳ họp cuối năm 2017. 

* Xin cảm ơn ông!
Tác giả THU HIỀN (Theo Báo Bình Định)