Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nghị quyết số 08-NQ/TW đặt mục tiêu: Đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Nghị quyết số 08-NQ/TW đề ra 08 nhiệm vụ và giải pháp then chốt, gồm: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Và tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp then chốt do Bộ Chính trị nêu ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, trong kế hoạch ngân sách nhà nước, Sở Tài chính đã tham mưu, trình Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và bố trí kinh phí chi cho phát triển du lịch. Các khoản chi đều được lập dự toán đảm bảo thực hiện tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện quyết toán chi theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Qua báo cáo kết quả du lịch Bình Định trong 03 năm qua (2015-2017) và kế hoạch phát triển du lịch Bình Định giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 tại Báo cáo số 165/BC-UBND ngày 26/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh cho thấy: các năm qua nói chung và năm 2017 nói riêng, Bình Định ngày càng nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Để thực hiện nhóm giải pháp về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch và tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch đặt ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, với vai trò là cơ quan chuyên môn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về tài chính, Sở Tài chính đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch phát triển du lịch như: Quy hoạch phát triển du lịch các huyện phía Bắc của tỉnh (4 huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão); Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Phương Mai đến năm 2030; Xây dựng tổ hợp không gian khoa học gắn với Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, Quy hoạch chỉnh trang bãi biển Quy Nhơn theo quy hoạch không gian du lịch biển, Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 không gian du lịch vịnh Quy Nhơn… thành các điểm đến du lịch đặc trưng riêng của Quy Nhơn, Bình Định.
Bên cạnh đó, Sở Tài chính cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch qua các phương tiện thông tin đại chúng; ấn phẩm quảng bá, giới thiệu về du lịch; các hội nghị hội thảo và các chương trình PressTrip, Famtrip, các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế …
Ngoài ra, thực hiện nhóm giải pháp của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch: Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020; Ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tham dự hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kiểm soát chất lượng dịch vụ hệ thống khách sạn, các doanh nghiệp lữ hành … nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo thu hút đầu tư, kinh doanh, môi trường sinh thái phục vụ phát triển du lịch.
Kết quả đến nay cho thấy hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, Bình Định ngày càng được những người yêu du lịch đánh giá cao, nhiều người tìm đến khám phá vẻ đẹp tự nhiên của biển xanh, nắng vàng, khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều đặc sản hấp dẫn.
Lê Thị Thu Hương - Sở Tài chính Bình Định