In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua công tác thanh tra tài chính; công tác đấu thầu tập trung góp phần phòng ngừa tiêu cực, lãng phí

Bài đăng vào lúc: 14:21:29, ngày: 28/12/2017 GMT +7


Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác nội chính và phòng chống tham nhũng năm 2018 do Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức ngày 26/12/2017. Tại hội nghị, đồng chí Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Tài chính báo cáo tham luận với nội dung: “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua công tác thanh tra tài chính; công tác đấu thầu tập trung góp phần phòng ngừa tiêu cực, lãng phí” theo chức năng, nhiệm vụ của Sở.
Trong năm 2017, Thanh tra Sở Tài chính đã thực hiện 07 cuộc thanh tra tập trung vào một số lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng, lãng phí như: quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu, kinh phí cấp bù do miễn thủy lợi phí; mua sắm, sử dụng tài sản công; vốn ngân sách đầu tư vào các dự án, công trình xây dựng; việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Thông qua công tác thanh tra, Sở Tài chính nhận thấy:

 
 
Đồng chí Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Tài chính trình bày báo cáo tham luận

- Kết quả những mặt ưu điểm đạt được của các cơ quan đơn vị như sau:
+ Đa số các cơ quan, đơn vị được thanh tra đều đã chấp hành đúng quy định của Nhà nước về lĩnh vực tài chính, ngân sách, tuân thủ chế độ, tiêu chuẩn, định mức về chi tiêu tài chính hiện hành, quyết toán theo quy định, chưa phát hiện hành vi tham nhũng, chiếm đoạt kinh phí, tài sản nhà nước.
+ Việc xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ của các cơ quan, đơn vị có sự tham gia ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức. 
+ Thực hiện chế độ công khai tài chính đúng theo quy định.
- Những hạn chế, tồn tại phổ biến: Bên cạnh những mặt ưu điểm, thì một số cơ quan, đơn vị còn có những khuyết điểm phổ biến trong công tác quản lý tài chính của các cơ quan, đơn vị như:
+ Một số thủ trưởng đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý tài chính, quản lý tài sản nên dẫn đến sai sót, vi phạm quy định của Nhà nước.
+ Quy chế chi tiêu nội bộ xây dựng thiếu chặt chẽ, chưa bao quát hết các nội dung chi theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
+ Vận dụng chế độ chính sách không đúng quy định; sử dụng không đúng tính chất, nội dung của các nguồn kinh phí.
+ Tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng một số nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, dịch vụ không đúng quy định.
+ Chưa kê khai hoặc đã kê khai nhưng không đầy đủ những khoản thuế phát sinh thông qua quá trình hoạt động phải nộp vào ngân sách nhà nước.
- Những bài học kinh nghiệm để hạn chế tham nhũng thông qua công tác thanh tra: 
+ Những cơ quan, đơn vị nào thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong công tác quản lý tài chính, tài sản nhà nước thì ở đó việc quản lý tài chính, tài sản nhà nước cơ bản đúng quy định, ít sai sót. 
+ Cơ chế, chính sách quản lý tài chính, tài sản nhà nước; chế độ chi tiêu; định mức kinh tế - kỹ thuật của cơ quan có thẩm quyền nếu được ban hành càng rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng thì tình trạng thực hiện sai chế độ, chính sách ít xảy ra và hạn chế được các hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi.
+ Phẩm chất đạo đức, năng lực nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ kế toán có tầm quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
+ Sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý cấp trên có ý nghĩa quan trọng giúp cho các đơn vị cấp dưới tránh được sai sót, vi phạm.
- Kiến nghị:
+ Các cơ quan quản lý cấp trên tăng cường hướng dẫn quản lý thu, chi và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tài chính nhằm phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, biển thủ công quỹ, ngân sách nhà nước.
+ Khi phát hiện sai phạm thì cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
+ Thường xuyên cử công chức thanh tra tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra tài chính, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra.

 
Toàn cảnh của hội nghị

Bên cạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua công tác thanh tra tài chính còn được thể hiện thông qua công tác mua sắm tập trung.
Mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung được thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 của Ban CH Trung ương Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, nhằm sử dụng ngân sách nhà nước đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 
Việc mua sắm tập trung được triển khai thực hiện từ tháng 7 năm 2016 tại địa phương, sau đây là một số kết quả đạt được:
- Bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa tham gia; cơ chế công khai, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm được quy định chặt chẽ; từ đó góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng trong mua sắm tài sản nhà nước. 
- Góp phần bảo đảm việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chặt chẽ, không còn tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức quy định hoặc trang bị tài sản tràn lan, không hiệu quả. 
Năm 2017, bốn cơ quan được giao nhiệm vụ - đơn vị mua sắm tập trung (Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh), đã đấu thầu mua sắm tập trung 55 gói thầu với tổng giá trị dự toán được duyệt là 182.091 triệu đồng, tổng giá trị trúng thầu là 163.101 triệu đồng, tiết kiệm ngân sách nhà nước là 18.990 triệu đồng. Tuy nhiên, công tác mua sắm tập trung vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như sau:
- Theo hướng dẫn của Sở Tài chính, việc mua sắm tập trung do Sở Tài chính thực hiện trong năm 2017 được chia làm 02 đợt nhưng thực tế nhiều đơn vị không thực hiện đăng ký mua sắm tập trung theo như thời gian đã hướng dẫn. Mặt khác, nhiều đơn vị gửi hồ sơ đăng ký mua sắm tập trung không đảm bảo đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định (thiếu quyết định phê duyệt dự toán, thiếu báo giá…) hoặc dự toán phê duyệt vượt tiêu chuẩn, định mức quy định… Điều này dẫn đến mất thời gian trong khâu tổng hợp, hoàn thiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình UBND tỉnh, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện việc mua sắm. Tuy nhiên, ngay sau khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt, Sở Tài chính tổ chức thực hiện ngay các bước của quy trình đấu thầu và thông báo đơn vị trúng thầu sớm nhất có thể cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản tiến hành ký kết hợp đồng mua sắm tài sản; bàn giao, nghiệm thu và thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản theo quy định.
- Mô hình mua sắm tập trung khác hẳn với việc trước đây từng cơ quan, đơn vị tự thực hiện mua sắm. Đối với mô hình mua sắm tập trung, cơ quan, đơn vị thực hiện mua sắm tập trung phải thực hiện một số khâu như: tổng hợp nhu cầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp, sau đó ký thỏa thuận khung; các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản thực hiện các công việc đăng ký nhu cầu, ký hợp đồng và thanh toán với nhà cung cấp, thông tin với nhà cung cấp trong quá trình bào hành, bảo trì… Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, cơ quan, đơn vị thực hiện mua sắm tập trung và nhà thầu. Tuy nhiên, sự phối hợp này, thời gian qua chưa được tốt, một số đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản không thực hiện ký kết hợp đồng mua sắm tài sản theo đúng thời gian quy định của thỏa thuận khung đã ký kết dẫn đến vướng mắc thanh toán tại Kho bạc nhà nước hoặc nhà thầu và đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đã ký biên bản nghiệm thu bàn giao hàng hóa, nhưng đơn vị mua sắm tài sản không thực hiện thanh, quyết toán hợp đồng cho nhà thầu theo thời gian quy định.
Do đó, để công tác mua sắm tập trung trong thời gian tới đạt được kết quả tốt hơn, Sở Tài chính kiến nghị một số nội dung sau:
- Căn cứ dự toán giao đầu năm, các cơ quan, đơn vị chủ động đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung theo như thời gian đã hướng dẫn. Hồ sơ đăng ký mua sắm tập trung phải đảm bảo đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định, dự toán phê duyệt đảm bảo tiêu chuẩn, định mức quy định.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung với các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản. 
- Các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản thực hiện đúng thời gian quy định theo nội dung thỏa thuận khung đã ký kết trong việc ký hợp đồng mua sắm tài sản; nghiệm thu bàn giao thiết bị; thanh, quyết toán hợp đồng cho nhà cung cấp hàng hóa./.

Thanh tra Sở & Phòng Quản lý Giá Công sản