In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Tình hình kinh tế - xã hội quý I trên địa bàn tỉnh Bình Định

Bài đăng vào lúc: 16:37:00, ngày: 16/04/2025 GMT +7



Xếp hạng tăng trưởng GRDP các tỉnh trong Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

       Bình Định triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bình Định xác định năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và tạo dư địa để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Do đó, ngay từ đầu năm Bình Định dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các cấp các ngành, các địa phương sở, ngành địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, tranh thủ tối đa các nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh đạt kết quả quý I đáng ghi nhận. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,51% so với cùng kỳ, xếp thứ 8 trong 14 tỉnh Miền trung và thứ 35/63 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,96% (trong đó công nghiệp tăng 10,70%; xây dựng tăng 11,75%); dịch vụ tăng 7,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,93%. Các hoạt động văn hoá - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Cụ thể trên từng lĩnh vực như sau:
       1. Về phát triển kinh tế
       a) Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên và môi trường
       Trong quý I, các địa phương tập trung chăm sóc và thu hoạch cây trồng vụ Đông Xuân, triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, bố trí cơ cấu giống phù hợp; tập trung chỉ đạo, theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây trồng, đẩy mạnh công tác tái đàn gắn với phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; thực hiện các giải pháp cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) và các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ. Nhìn chung, tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên và môi trường quý I năm duy trì được sự ổn định và phát triển.
       - Về trồng trọt: Toàn tỉnh đã gieo sạ được 46.770 ha lúa Đông Xuân, đạt 51% kế hoạch năm, bằng cùng kỳ năm trước. Cây ngô 2.436 ha, tăng 6,4%; cây lạc 8.994 ha, tăng 1,6%; rau các loại 5.697 ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ...
Đã thực hiện chuyển đổi cây trồng vụ Đông Xuân đạt 2.544 ha, đạt 35% kế hoạch năm (chuyển đổi trên đất trồng lúa 913 ha, chuyển đổi trên đất trồng sắn 1.573 ha; chuyển đổi trên đất trồng mía 58 ha).
Trữ lượng nước trên các hồ đập đảm bảo đủ lượng nước tưới và chủ động tiết kiệm, tưới hợp lý ngay từ đầu vụ (tính đến ngày 20/3/2025, dung tích các hồ chứa là 634,2 triệu m3, đạt 93% dung tích thiết kế) và tăng 11% so với cùng kỳ.
Sản lượng thu hoạch của các loại cây lâu năm chủ yếu như sau: xoài đạt 109 tấn, tăng 5,8%; chuối đạt 5.612 tấn, tăng 1,8%; cam đạt 49 tấn, tăng 2,1%; bưởi đạt 325 tấn, tăng 4,2%; dừa đạt 40.125 tấn, tăng 1,4%; điều đạt 138 tấn, tăng 2,2%; hồ tiêu đạt 152 tấn, tăng 2% so cùng kỳ...
       - Về chăn nuôi: Trong quý I năm 2025, tình hình chăn nuôi phát triển ổn định. Người dân tích cực thực hiện tái đàn sau Tết, tổng đàn vật nuôi kỳ tháng 03/2025 ước đạt: Đàn bò đạt 306.600 con, tăng 1,7%; đàn lợn (không kể lợn con chưa tách mẹ) đạt 712.500 con, tăng 4,3%; đàn gia cầm đạt 9.879 nghìn con, tăng 2,9%; trong đó, đàn gà đạt 8.314 nghìn con, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Quý I/2025, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 10.795 tấn, tăng 1,8%; trong đó, sản lượng sữa đạt 3.107,1 tấn, tăng 2,6%; thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 38.711,3 tấn, tăng 7,6%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 7.860,4 tấn, tăng 3,7%; trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng 6.878,3 tấn, tăng 4,1%.
       - Về lâm nghiệp: Sản xuất lâm nghiệp trong quý I tập trung chủ yếu là công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hiện nay, các đơn vị đang chuẩn bị để thực hiện chăm sóc rừng trồng lần 1. Ngành Kiểm lâm phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tổ chức lực lượng chốt chặn các trạm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.
Thực hiện hỗ trợ bảo vệ rừng, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng (từ nguồn kinh phí nhà nước cấp): 164.710,6 ha; từ đầu năm đến nay, đã khai thác 148.095 m3 gỗ, tăng 2,1% so với cùng kỳ; trồng lại sau khai thác 83,7 ha rừng.
Từ đầu năm đến nay, có 41,5 ha diện tích trồng, chuyển hóa cây gỗ lớn… Lũy kế đến nay, diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh 10.123,5 ha. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến nay là 12.175,9 ha.
       - Về thủy sản: Hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh được chú trọng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) và các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ theo quy định.
Quý I năm 2025, thời tiết khá ổn định, ít chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, tạo điều kiện cho tàu cá vươn khơi, bám biển, góp phần giúp tổng sản lượng thủy sản tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản quý I năm 2025 ước đạt 61.924,6 tấn, tăng 2,4% so cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác đạt 60.793 tấn, tăng 2,4%; sản lượng nuôi trồng đạt 1.132 tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ.
       - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai có hiệu quả. Các cấp, các ngành tập trung hoàn thành công nhận các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 và triển khai thực hiện các tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025, củng cố và nâng cao chất lượng các xã đã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 91/113 xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 80,5%); 24/91 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 26,3%); 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 07 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM (đạt tỷ lệ 63,6%).
       - Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường. Đã phối hợp các địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản (đất, đá, cát…), kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, đá, cát… trái phép hoặc không đúng quy định gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường. Tổ chức kiểm tra các khu vực đề nghị đóng cửa mỏ các mỏ vật liệu phục vụ thi công các công trình vốn ngân sách tỉnh và dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam; khu vực đăng ký khai thác đá làm vật liệu xây dựng trong phạm vi công trình xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
       Triển khai quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác (Tỷ lệ thu gom CTRSH trên địa bàn tỉnh quý I : Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 94,86%, Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 79,88%), chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt; nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý đất đai; kiểm tra, xử lý kiên quyết các vụ vi phạm về đất đai, tài nguyên khoáng sản, rừng và đất rừng.
       b) Về sản xuất công nghiệp và xây dựng
       Trong những tháng đầu năm 2025, kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, lạm phát cao ở một số nền kinh tế lớn và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng. Tuy nhiên, nhờ các chính sách kích thích kinh tế và sự phục hồi của chuỗi cung ứng, tăng trưởng toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2025 ước tăng 8,15% so với cùng kỳ; tính chung quý I/2025 tăng 9,46% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 4,55%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,18%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 1,81%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 8,0% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất ở một số ngành chế biến, chế tạo chủ yếu của tỉnh như sau:
       - Ngành chế biến thực phẩm tăng 9,87%, do một số sản phẩm tiêu thụ nội địa tăng như: Thức ăn gia súc tăng 8,74%; thức ăn gia cầm tăng 13,05% do sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới như Công ty Birgfeed, Công ty Fago chi nhánh miền Trung, thúc đẩy sản xuất và cung cấp thức ăn cho ngành chăn nuôi. Nhóm thủy sản có xu hướng phục hồi tốt do bổ sung thêm 01 doanh nghiệp mới chế biến tôm đông lạnh, góp phần chính thúc đẩy sản lượng tôm đông lạnh tăng 68,47% so cùng kỳ; phi lê cá tăng 8,61% do nhu cầu thị trường ổn định trở lại. Riêng sản phẩm sữa và kem giảm 13,68% do Tổng công ty Vinamilk phân bổ chỉ tiêu sản lượng cho nhà máy của Vinamilk chi nhánh Bình Định thấp.
       - Ngành sản xuất trang phục tăng 7,47%, phản ánh sự ổn định và phát triển của ngành may mặc trong tỉnh. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào việc mở rộng sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và nhất là thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp trong ngành đã chủ động đầu tư vào công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và mở rộng thị trường tiêu thụ.
       - Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 33,6%, chủ yếu do sản phẩm gạch ốp lát tăng rất mạnh (+847,24%). Trong tháng 01/2025, dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite của Công ty CP Công nghiệp Kamado có công suất 18 triệu m2/năm, với quy mô diện tích 22 ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng chính thức đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy ngành khoáng phi kim loại tăng cao.
       - Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng cao 25,46%; trong đó, tăng cao nhất là sản phẩm cấu kiện thép tăng 85,13%. Đà tăng trưởng trên chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ đang hồi phục trở lại, nhất là thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh, do đó doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để giảm tồn kho nguyên liệu.
       - Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 5,16% so cùng kỳ và có xu hướng tăng chậm so với các tháng cuối năm 2024. Nguyên nhân đến từ việc lo ngại Mỹ sẽ áp thuế đối ứng 25% lên ngành gỗ Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp trong nước mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh; các nhà mua hàng Mỹ đang lúng túng, lo sợ việc áp thuế sẽ dẫn tới tồn kho, nên chưa mạnh dạn chốt đơn.
Thu hút dự án thứ cấp sản xuất kinh doanh trong CCN: Trong quý 1/2025, các CCN đã thu hút 09 dự án với tổng vốn đầu tư 206,9 tỷ đồng (bình quân 23 tỷ đồng/dự án), tổng diện tích 13,2 ha; đồng thời, có 03 dự án đang triển khai thủ tục với tổng vốn đầu tư 74,2 tỷ đồng, tổng diện tích 3,5 ha. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 400 dự án đầu tư với diện tích đất thuê và có chủ trương đầu tư là 787,5 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đã đi vào hoạt động 82,9%; bình quân 2,0 ha/dự án.
       Tình hình dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động năm 2025 (Kế hoạch năm 2025 có 55 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động): Trong quý I/2025, có 17 dự án với tổng vốn đầu tư 647,5 tỷ đồng đi vào hoạt động (trong các CCN có 10 dự án với tổng vốn đầu tư 228,6 tỷ đồng); trong đó, có 01 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư 126 tỷ đồng (Dự án nâng công suất Nhà máy sản xuất phân bón NPK lên 100.000 tấn/năm của Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Bình Định).
       Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển ổn định. Các sản phẩm của các làng nghề đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.
       Các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập và an sinh xã hội. Công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu dân cư, nhà ở xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện.
       c) Về thương mại, dịch vụ, tài chính
       Hoạt động thương mại dịch vụ quý I/2025 nhộn nhịp vào dịp trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Sau Tết, đời sống sinh hoạt, nhu cầu mua sắm của người dân trở lại bình thường. Giá cả hàng hóa ổn định, nguồn cung hàng hoá dồi dào, giá cả thị trường ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng đầu cơ, tăng giá, hạn chế lạm phát trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán. Trong tháng 3, tỉnh tổ chức nhiều đêm biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, giải trí... thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí lớn trong tháng 3/2025, góp phần thúc đẩy doanh thu dịch vụ tăng cao so với tháng trước và cùng kỳ.
       Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 03/2025 ước đạt 10.102 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng 02/2025 và tăng 7% so với cùng kỳ. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt trên 29.653,5 tỷ đồng, đạt 23,4% so với kế hoạch năm (126.600 tỷ đồng), tăng 8,0% so với cùng kỳ. Xét theo ngành kinh doanh, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 23.196,5 tỷ đồng, tăng 6,5%; khách sạn, nhà hàng đạt 3.936,6 tỷ đồng, tăng 14,8%; dịch vụ lữ hành đạt 154,2 tỷ đồng, tăng 19,2%; dịch vụ khác đạt 2.366,2 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ.
       Trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục có những biến động tích cực, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, đối tác xuất khẩu, cũng như tăng tốc sản xuất để đảm bảo theo đơn hàng đã ký kết. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm 2025 đạt 452,4 triệu USD, đạt 26,5% kế hoạch năm (kế hoạch năm 2025 là 1.710 triệu USD) và tăng 8,3% so với cùng kỳ. Đã tổ chức thành công Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại thành phố Quy Nhơn thu hút hơn 100 doanh nghiệp, với hơn 1.200 gian hàng tham gia.
       Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 113,4 triệu USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ; các nhà máy, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh tăng cường nhập nguyên liệu, máy móc về phục vụ sản xuất ngay từ đầu năm.
       Hàng hoá thông qua cảng biển tại địa phương trong tháng 3 năm 2025 ước đạt 1.200 nghìn TTQ, tăng 40,5% so với tháng trước, giảm 5,3% so với cùng kỳ. Ước quý I/2025 đạt 3.219,3 nghìn TTQ, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
       Về hoạt động du lịch: Tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, sôi nổi phục vụ Nhân dân vui Xuân đón Tết, Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định... góp phần thu hút lượng lớn du khách đến với Bình Định.
       Tháng 3 năm 2025, lượng khách tham quan, du lịch đến Bình Định đạt trên 1,76 triệu lượt, tăng 16,9% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế đạt 11.151 lượt, tăng 16,9%; khách nội địa trên 1,75 triệu lượt, tăng 16,9% so với cùng kỳ). Luỹ kế 3 tháng đầu năm 2025, tổng khách du lịch đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 14,8% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 29.017 lượt, tăng 8,1%, khách nội địa đạt trên 3,17 triệu lượt, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt 7.330 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ.
       Bên cạnh tổ chức tốt các sự kiện, ngành du lịch đã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú; kiểm tra hoạt động vận tải khách du lịch và hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; tạo hình ảnh về một không gian đẹp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút du khách trong và ngoài nước.
       Về thu, chi ngân sách: Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp chủ yếu điều hành dự toán ngân sách địa phương năm 2025 trên địa bàn tỉnh, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo nguồn thu ổn định, vững chắc cho ngân sách. UBND tỉnh đã xây dựng kịch bản thu ngân sách nhà nước năm 2025 cụ thể theo từng tháng, từng quý đồng thời chỉ đạo sâu sát quá trình triển khai thực hiện để phấn đấu thu ngân sách nhà nước vượt 5% so với dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
       Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện quý I năm 2025 là 4.650 tỷ đồng, đạt 26,7% dự toán năm, tăng 61,4% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) thực hiện là 2.295 tỷ đồng, đạt 25,6% dự toán năm, tăng 25,4% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất thực hiện 2.177 tỷ đồng, đạt 30,2% dự toán năm, tăng 2,88 lần so với cùng kỳ; thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu là 90 tỷ đồng, đạt 9,5% dự toán năm, bằng 47,7% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện quý I là 4.957 tỷ đồng, đạt 20,8% dự toán năm, tăng 30,3% so với cùng kỳ.
       Về hoạt động tài chính, tín dụng, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất huy động và cho vay; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đến ngày 31/3/2025, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương là 116.680 tỷ đồng, tăng 9,5%; tổng dư nợ là 114.398 tỷ đồng, tăng 9,0% so với cuối năm 2024.
       Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2025 tăng 4,83% so với cùng kỳ; bình quân 3 tháng đầu năm 2025 tăng 4,85% so với cùng kỳ. Các ngành chức năng đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cung cầu hàng hóa, kiểm soát chất lượng và quản lý giám sát giá cả, bình ổn thị trường được thực hiện nghiêm túc đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.
       d) Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
       - Đầu tư xã hội: Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh quý I đạt 6.794,9 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 2.294,1 tỷ đồng, tăng 1,3%; vốn ngoài Nhà nước đạt 4.223,7 tỷ đồng, tăng 11,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 277,1 tỷ đồng, tăng 55,9%.
       - Đầu tư công: Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch 2025 là 9.381,6 tỷ đồng, bao gồm 1.211,5 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 8.170,1 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phân bổ và giao bộ kế hoạch đầu tư công cho từng chủ đầu tư để các đơn vị, địa phương chủ động triển khai hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển, tập trung xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh.
       Đối với các Chương trình Mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương để rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, đồng thời tập hợp, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, các Tổ công tác liên ngành tiếp tục được duy trì để kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai chương trình.
       Tính đến cuối tháng 3/2025, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt 1.169,4 tỷ đồng tỷ đồng, đạt 13,90% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 12,46% kế hoạch vốn do HĐND tỉnh giao. Trong đó vốn ngân sách tỉnh đạt 11,85%, vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu đạt 16,63%, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 27,46%...
       Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc hoàn thành và đã tổ chức khánh thành Đập dâng Phú Phong (huyện Tây Sơn); Tuyến đường từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với Cảng Quy Nhơn (đoạn tuyến chính); Hệ thống tiêu úng thoát lũ Sông Dinh (thành phố Quy Nhơn). Ngoài ra, đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương có liên quan trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, phấn đấu khởi công ngay trong năm 2025 (trong đó có các dự án, công trình trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng hàng không Phù Cát, Khu Công nghiệp Phù Mỹ,…) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
       đ) Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
       Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong các tháng đầu năm 2025 tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tháng 3, tỉnh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư với sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các Nhà đầu tư... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bình Định.
       Lũy kế từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút 31 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 12.195,4 tỷ đồng, trong đó có 27 dự án đầu tư trong nước và 04 dự án FDI (riêng tổng vốn đăng ký đầu tư 04 dự án FDI khoảng 23 triệu USD). So với cùng kỳ năm trước số dự án tăng 138,5%; tổng vốn đăng ký tăng 502,6%. Ngoài ra, đã có 29 dự án được điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm 2.213,5 tỷ đồng.
       Một số dự án có quy mô lớn đã được phê duyệt trong thời gian qua như: Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phù Mỹ - Giai đoạn 1 với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.569,4 tỷ đồng; Dự án Đầu tư mở rộng nhà máy thép Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.333 tỷ đồng...
       Hoạt động đăng ký doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Trong quý I đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 309 doanh nghiệp mới với tổng vốn đăng ký 3.378,3 tỷ đồng (tăng 11,2% về số doanh nghiệp và tăng 89,3% về vốn đăng ký); cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 211 đơn vị phụ thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh). Những kết quả trên cho thấy sự chủ động, quyết liệt của chính quyền tỉnh và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những tháng đầu năm 2025.
       2. Về văn hoá – xã hội
       Về giáo dục và đào tạo: Đã chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức dạy học sau thời gian nghỉ Tết; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh. Tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2024-2025 an toàn, đúng quy chế; tổ chức thành công kỳ thi kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, lớp 11 cấp tỉnh và Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT, THCS, giáo viên chủ nhiệm giỏi Tiểu học.
       Về văn hóa - thể thao: Đã tổ chức thành công nhiều Chương trình nghệ thuật, lễ kỷ niệm, tuyên truyền các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh như: Hội Báo Xuân Ất Tỵ mừng Đảng mừng Xuân 2025; Chương trình nghệ thuật chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón chào năm Ất Tỵ 2025; Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2025); Ngày hội người Bình Định tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại Đăk Lăk; Lễ Kỷ niệm 50 năm giải phóng Bình Định; Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 42 - năm 2025...
       Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả ở một số địa phương. Các hoạt động thể thao quần chúng, các giải thi đấu thể thao trong tỉnh được triển khai theo kế hoạch.
       Công tác chuẩn bị, tổ chức Giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế UIM F1H2O 2025 được triển được chuẩn bị chu đáo.
       Về y tế: Công tác phòng, chống dịch bệnh được tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả. Đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được quan tâm. Duy trì thường xuyên hoạt động truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong cộng đồng.
       Thường xuyên chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai thực hiện, tuân thủ các quy trình chuyên môn, kỹ thuật theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám bệnh; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ và cải thiện các điều kiện phục vụ sinh hoạt của người bệnh; nâng cao tinh thần trách nhiệm và phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đi đôi với đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo dựng cảnh quan cơ sở y tế “xanh, sạch, đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
       Về an sinh xã hội: Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức thăm và tặng quà, trao quà tặng của Chủ tịch nước, quà tặng của Lãnh đạo tỉnh cho người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng và người thờ cúng liệt sĩ, đối tượng gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thăm các đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ với tổng cộng trên 103.217 suất quà và tiền, tổng trị giá trên 31,15 tỷ đồng. Tổ chức trao tặng chu đáo 44.019 suất quà của Chủ tịch nước tặng, tổng số tiền trên 13,3 tỷ đồng; tổ chức thăm và tặng trên 59.198 suất quà và tiền từ ngân sách tỉnh với tổng trị giá trên 17,85 tỷ đồng.
       Các địa phương đã kịp thời chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cho 30.005 đối tượng người có công, kinh phí thực hiện trên 167,3 tỷ đồng; cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tổ chức thăm, tặng quà chúc tết các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; các địa phương tiến hành việc tu sửa, trang trí và tổ chức lễ viếng các Nghĩa trang, Đài tưởng niệm liệt sỹ trong dịp tết.
       Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt kế hoạch thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát đã phê duyệt, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/5/2025. Tính đến ngày 31/3/2025, trên địa bàn có 4.299/4.364 hộ đã khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt 99% so với kế hoạch. Tỉnh đã huy động đầy đủ các nguồn lực từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp, bảo đảm bố trí đủ kinh phí và điều kiện triển khai thực hiện.
       Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện các nội dung thuộc Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; Chương trình Bảo vệ trẻ em...; tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp lễ, tết.
       Về khoa học và công nghệ: Đã tập trung xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động theo Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 12/01/2025 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thực hiện rà soát, sửa đổi, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh. Đã tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia lần thứ 6 – Bình Định 2025;
       3. Về công tác nội chính
       - Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 17/02/2025 sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 18 tháng 02 năm 2025 thành lập 07 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó, kết quả sau khi sắp xếp, có 14 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, giảm 06/20 cơ quan, đạt tỷ lệ 30%; cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thành lập thống nhất chung trong toàn tỉnh gồm có 09 phòng chuyên môn, riêng 03 huyện miền núi có 10 phòng (có thêm Phòng Dân tộc và Tôn giáo), giảm 33/135 phòng chuyên môn, đạt tỷ lệ 24,44%. Bên cạnh đó UBND tỉnh đã quyết định thành lập, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Sở, ngành tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách hưởng chế độ chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ đối với 42 trường hợp, với tổng kinh phí là: 6.548.876.000 đồng; hưởng chính sách hỗ trợ một lần do sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với 20 trường hợp, với tổng kinh phí là: 1.897.275.000 đồng.
       - Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh đã chủ trì họp, chỉ đạo việc triển khai rà soát cắt giảm 50% thời gian giải quyết/mỗi thủ tục hành chính đối với 100% danh mục thủ tục hành chính đang áp dụng thực hiện trên địa bàn tỉnh (trừ những thủ tục hành chính có thời gian giải quyết trong ngày); trong đó, mốc thời gian tính toán cắt giảm là thời gian đang thực hiện, không bao gồm thời gian đã được cắt giảm trước đây. Đồng thời, triển khai rà soát, tái cấu trúc, để tăng số lượng thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trong tổng số danh mục TTHC của tỉnh, nhất là các TTHC có phát sinh nhiều giao dịch hồ sơ. Kết quả “Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của tỉnh” trong Quý 1/2025 giữ vị trí thứ hai toàn quốc.
       - Công tác thanh tra được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt. Kết quả thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý một số vụ việc có vi phạm, góp phần chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được chú trọng thực hiện thường xuyên, giải quyết kịp thời những vụ việc bức xúc, đông người, nhất là các vụ việc liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.
       - Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, đã triển khai nhiệm vụ quốc phòng và hoàn thành việc giao quân năm 2025. Nhằm đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ, giảm thiểu tai nạn giao thông phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các Lễ hội đầu xuân, các lực lượng công an, quân đội đã chủ động mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng yếu trong tỉnh. Nhờ đó tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, công tác triển khai các kế hoạch bảo vệ các ngày Lễ lớn của tỉnh và cả nước được chú trọng.
 
Nguyễn Thị Bình – Phòng Tổng hợp