In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Các giải pháp thực hiện cải cách tài chính công giai đoạn 2021 - 2030, chủ trương đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh

Bài đăng vào lúc: 15:35:00, ngày: 07/12/2020 GMT +7


Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về tài chính; ngân sách nhà nước; thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; tài sản nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; kế toán; kiểm toán độc lập; lĩnh vực giá và các hoạt động dịch vụ tài chính tại địa phương theo quy định của pháp luật.
    Trong những năm qua, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh điều hành quản lý thu, chi ngân sách nhà nước đảm bảo nền tài chính địa phương lành mạnh, giữ vững an ninh tài chính, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ; Chương trình hành động số 06 CTr/TU ngày 24/8/2011 của Tỉnh ủy Bình Định về thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính tỉnh giai đoạn 2011-2015; Quyết định 492/QĐ-UBND ngày 06/10/2011 về kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 06 CTr/TU ngày 24/8/2011 của Tỉnh ủy Bình Định; Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 20/10/2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 536/QĐ-UBND ngày 24/02/2017 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 20/10/2016 của Tỉnh ủy.
    Trong giai đoạn 2011-2020, chương trình cải cách hành chính xác định 06 nhiệm vụ: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trong đó, cải cách tài chính công là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy, bổ trợ cho các nhiệm vụ khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh, của đất nước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
    Tài chính công có phạm vi khá rộng gồm: ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tài chính của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt: ĐVSNCL), đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước; phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; các khoản nợ công.
Cải cách tài chính công đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, hướng đến xây dựng nền hành chính lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính. Với vai trò chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác cải cách tài chính công, trong những năm qua, Sở Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hiệu quả và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể:
- Tích cực theo dõi sát diễn biến thu ngân sách hàng tháng, quý, năm, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế và cơ quan liên quan đề xuất các biện pháp cụ thể, phù hợp để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 48.460 tỷ đồng, vượt 27,6% so với tổng dự toán 05 năm, tăng 108,2% so với cùng kỳ giai đoạn 2011-2015 và trong giai đoạn này số thu năm sau tăng hơn năm trước; trong đó năm 2020 ước thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 12.045 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Bình Định đề ra (11.000 tỷ đồng).
    - Công tác quản lý chi ngân sách ngày càng chặt chẽ, bảo đảm các khoản chi đúng quy định của Nhà nước; hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng NSNN; triệt để tiết kiệm và hiệu quả ngay từ khâu lập dự toán (Kết quả tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN giai đoạn 2015-2019 là 387,2 tỷ đồng); sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài chính đầu tư cho các công trình y tế, giáo dục và đào tạo... trên địa bàn tỉnh; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, xử lý được các vấn đề cấp bách về thiên tai dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cơ cấu chi NSĐP đảm bảo theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 16/6/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động của địa phương về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; theo đó, đảm bảo trong tổng chi cân đối ngân sách địa phương, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên 24% và chi thường xuyên dưới 70%, ưu tiên đảm bảo hoàn trả tạm ứng ngân sách và chi trả nợ vay, nợ xây dựng cơ bản, đồng thời bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. 
Mặt khác, NSĐP đã cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương: sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ dự toán giao đầu năm, trích một phần nguồn thu để lại tại đơn vị, tăng tính chủ động cho các cơ quan, đơn vị trong việc chi trả tiền lương khi Nhà nước thực hiện chính sách tăng lương; cân đối đầy đủ kinh phí để thực hiện các chính sách phục vụ phát triển KT-XH do HĐND tỉnh ban hành, trong đó có một số chính sách đã phát huy hiệu quả rất tích cực như: Phát triển lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp, mở rộng toàn bộ các tuyến đường do tỉnh quản lý; thu hút bác sĩ, dược sĩ về tỉnh công tác; hỗ trợ xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh, khắc phục chồng chéo, dàn trải về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, 135/135 đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh được giao quyền tự chủ về tài chính. Đồng thời, hoàn thành việc giao cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị dự toán khối tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan chuyên môn cấp huyện và cấp xã. Từ đó, các đơn vị đã chủ động trong việc quản lý, điều hành tài chính phù hợp với tình hình thực tế.  
Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả trong quản lý thu chi NSNN; giám sát và đảm bảo an ninh tài chính, tiếp tục đẩy mạnh cải cách tài chính công, Sở Tài chính đề xuất các giải pháp thực hiện cải cách tài chính công giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh, chủ trương đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL cụ thể như sau:
    1. Quản lý chặt chẽ nguồn thu NSNN từ thuế, mở rộng cơ sở thuế nội địa; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu NSNN, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
    2. Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính; Thực hiện phân bổ NSNN tập trung, sử dụng hiệu quả theo nguyên tắc dựa trên kết quả và chất lượng hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra, chất lượng chi tiêu theo mục tiêu, nhiệm vụ; Phân bổ dự toán chi hoạt động của các ĐVSNCL trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới ĐVSNCL, thực hiện giảm chi hỗ trợ từ NSNN gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách và giảm chi hỗ trợ từ NSNN đối với các ĐVSNCL có nguồn thu phù hợp lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) và dành NSNN chi sự nghiệp cho khu vực, địa phương khó khăn, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Thực hiện cơ cấu chi NSNN vững chắc theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 16/6/2017 của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
    3. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thực hiện đầy đủ các quy định về công khai ngân sách nhà nước.Thực hiện đúng quy định của Luật NSNN năm 2015 về công khai NSNN, đa dạng hoá các hình thức công khai NSNN; Hướng dẫn, đôn đốc và giám sát việc thực hiện công khai NSNN của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
    4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các ĐVSNCL nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận ở các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp và toàn xã hội. Thực hiện rà soát sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCLtrên cơ sở các mục tiêu về đổi mới ĐVSNCL theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ trong từng lĩnh vực sự nghiệp, đảm bảo các nguyên tắc: 
(i) Trường hợp cần thiết phải thành lập mới ĐVSNCL, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu); 
(ii) Một ĐVSNCL có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; 
(iii) Cơ cấu lại hoặc giải thể các ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả; 
(iv) Đẩy mạnh xã hội hoá, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần và phù hợp quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lýđã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
    5. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hoá, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, đảm bảo đúng lộ trình tại Quyết định số 4817/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Kế hoạch, lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn năm 2018-2020; năm 2021-2025 và giai đoạn năm 2026-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định; phấn đấu đạt được mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra: đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% ĐVSNCL và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2016-2020;... 
6. Tiếp tục thực hiện cơ chế kết hợp công - tư về nhân lực và thương hiệu trong lĩnh vực y tế; xây dựng cơ chế hợp tác đầu tư giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, giữa các bệnh viện công; Minh bạch hoá các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác công - tư, nhất là ở các đơn vị thuộc lĩnh vực do Nhà nước cấp phép hoạt động; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước.
    7. Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định.
     8. Quy định rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý và điều hành đơn vị sự nghiệp, có cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; Tăng cường hoàn thiện các công cụ quản lý và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công nhằm hướng tới việc cung cấp tốt hơn cả về số lượng và chất lượng dịch vụ cho toàn xã hội.