Cải cách hành chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có tác động to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và phát triển tỉnh nhà nói riêng.
Là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài chính; ngân sách nhà nước; thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; tài sản nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; kế toán; kiểm toán độc lập; lĩnh vực giá và các hoạt động dịch vụ tài chính tại địa phương theo quy định của pháp luật; Sở Tài chính có mối quan hệ chặt chẽ với các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp và cá nhân. Nhận thức được tầm quan trọng và nội dung then chốt đó là gắn việc thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về CCHC, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020, Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu với nội dung trọng tâm là: nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc; đổi mới nội dung và phương thức làm việc, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh; chỉ đạo cho các bộ phận chuyên môn và CBCC triển khai kịp thời và cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của Trung ương và địa phương về cải cách hành chính vào hoạt động của cơ quan. Vì vậy, trong thời gian qua công tác cải cách hành chính của Sở Tài chính đã đi vào nề nếp và đạt một số kết quả nhất định, trong đó công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan đã góp phần tạo sự minh bạch, công khai mọi hoạt động trong quá trình quản lý, điều hành của cơ quan.
Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua:
Mô hình chính quyền điện tử được Sở Tài chính xây dựng và triển khai thực hiện từ năm 2012. Đến nay, việc chỉ đạo, điều hành của Sở Tài chính đều thực hiện trên Văn phòng điện tử liên thông một cách nhịp nhàng và có hệ thống. Qua đó, Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo phòng kiểm soát việc xử lý công việc của cán bộ, công chức được hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời góp phần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan trong quản lý, điều hành.
Từ ngày 01/10/2017 Sở Tài chính đã triển khai, sử dụng chữ ký số trên Văn phòng điện tử liên thông, đồng thời thực hiện việc gửi hồ sơ điện tử một số loại văn bản qua hệ thống văn phòng điện tử liên thông theo quy định (không gửi văn bản giấy). Đến nay, 100% văn bản hành chính (trừ văn bản mật) được lưu chuyển dưới dạng điện tử trong nội bộ cơ quan.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành công việc là một nhiệm vụ góp phần quan trọng trong đổi mới phương thức làm việc và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan. Vì vậy, Sở Tài chính thường xuyên nâng cấp, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin và trang thiết bị; cài đặt phần mềm Virus máy tính nhằm đảm bảo an toàn thông tin Website cơ quan, hệ thống mạng LAN và đường truyền Hệ thống Tabmis luôn thông suốt, an toàn, bảo mật và hiệu quả.
Từ năm 2016, Sở Tài chính đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 4 lĩnh vực: cấp mã số đơn vị sử dụng ngân sách; đăng ký giá, kê khai giá; thẩm tra dự toán các đơn vị khối tỉnh; cung cấp các đoạn mã nhập Tabmis của các chủ đầu tư. Đến nay, Sở Tài chính có 48 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2,3,4, trong đó có 10 dịch vụ công trực truyến mức độ 4 và 19 dịch vụ công mức độ 3 thuộc 4 lĩnh vực. Việc sử dụng chữ ký số để nộp hồ sơ, trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng không phải đi lại, chủ động theo dõi tình trạng hồ sơ của mình và nhận kết quả sớm hơn thời gian quy định rất nhiều so với các phương pháp truyền thống trước đây; đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch thông tin, giảm tệ nạn nhũng nhiễu công quyền.
Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa: cán bộ thực hiện giải quyết TTHC là cán bộ của các phòng chuyên môn làm công tác kiêm nhiệm nên có trình độ và kinh nghiệm. Vì vậy, kết quả giải quyết TTHC được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác theo quy định của pháp luật nên trong thời gian qua Sở Tài chính không có hồ sơ giải quyết trễ hẹn.
Trong những năm qua, Sở Tài chính luôn đưa công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, trong đó luôn xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan, chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công lên hàng đầu và một trong số lĩnh vực dịch vụ công mà các cá nhân, tổ chức đánh giá hài lòng là dễ tiếp cận, sử dụng, dễ hiểu và giải quyết nhanh chóng là TTHC cấp mã số sử dụng ngân sách. Đây là lĩnh vực áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đầu tiên, thành công nhất của Sở Tài chính, từ đó đã tạo tiền đề cho các đơn vị trong tỉnh sử dụng chứng thư số và chữ ký số trên văn bản điện tử.
Công tác cấp mã số ngân sách bình quân cấp 2.200 mã số/năm. Năm 2014 - 2015: thực hiện dịch vụ công mức độ 3 về 8 bộ thủ tục hành chính cấp mã số ngân sách (các mẫu biểu và hướng dẫn sử dụng đăng tải trên Web
http://stc.binhdinh.gov.vn , mục Cải cách thủ tục hành chính), đăng ký thời gian thực hiện không quá 03 ngày so với quy định là 05 ngày (Quyết định 90/2007/QĐ-BTC ngày 26/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Năm 2016 đến nay thực hiện dịch vụ công mức độ 4 về 6 bộ thủ tục hành chính cấp mã số ngân sách
https://mstt.mof.gov.vn , đăng ký thời gian thực hiện không quá 02 ngày (nộp hồ sơ trực tuyến) và không quá 3 ngày (nộp hồ sơ theo phương pháp truyền thống) so với quy định là 03 ngày (Thông tư số 185/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính).
Theo quy định, việc đăng ký mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách ngoài 02 phương thức cũ là nộp hồ sơ trực tiếp, nộp hồ sơ qua đường bưu chính cho cơ quan tài chính, còn bổ sung phương thức nộp hồ sơ đăng ký mã số ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhưng Sở Tài chính thực hiện hướng dẫn nộp trực tuyến trực tiếp cho từng đơn vị đăng ký cấp mã số nên bắt đầu từ quý II/2016 đã có 100% đơn vị tham gia sử dụng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về cấp mã số ngân sách.
Việc sử dụng dịch vụ công mức độ 4, làm cho đơn vị sử dụng dịch vụ tiếp cận công nghệ tiên tiến, giảm chi phí đi lại, cải cách thủ tục hành chính.
Đây là sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của tập thể Lãnh đạo Sở và tập thể cán bộ phòng Tin học và Thống kê mà đứng đầu là Giám đốc Sở đã tạo nên thành công trong công tác cải cách thủ tục hành chính của cơ quan thời gian qua và đã đạt được những kết quả tích cực:
Kết quả xếp loại ứng dụng công nghệ thông tin: năm 2016 Sở Tài chính tỉnh Bình Định được Cục Tin học và Thống kê của Bộ Tài chính xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index Finance 2016) là 7/63 ở Khối Tài chính; xếp thứ 3/63 tỉnh có số lượng hồ sơ giao dịch trực tuyến mức độ 4 về cấp mã số ngân sách; năm 2017 xếp thứ 4/63 khối Sở Tài chính tỉnh, thành phố.
Kết quả đánh giá xếp hạng tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định: năm 2016 có 06/6 nhóm tiêu chí đạt mức tốt; năm 2017 xếp hạng tổng thể đạt mức tốt.
Kết quả chỉ số cải cách hành chính của Khối Sở, ban, ngành trong tỉnh Sở Tài chính 02 năm liền được xếp thứ nhất trong khối các cơ quan hành chính tỉnh: năm 2016 xếp loại xuất sắc, năm 2017 xếp loại tốt.
Những kinh nghiệm rút ra từ quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Sở, chính quyền trong công tác kiểm tra giám sát đối với việc thực hiện công tác CCHC; gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XII) “ Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với công tác CCHC.
Xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai công tác CCHC và gương mẫu, tiên phong đi đầu trong việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan. Người đứng đầu cơ quan, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả CCHC, quyết liệt chỉ đạo các cán bộ, công chức sử dụng văn bản điện tử, trao đổi công việc qua môi trường mạng, sử dụng chữ ký số, hộp thư điện tử công vụ, từ đó thay đổi lề lối làm việc theo phương thức truyền thống, hướng tới môi trường làm việc điện tử, hiện đại.
Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao và yêu cầu kinh tế hội nhập; coi công tác CCHC là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức và gắn hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân trong công tác này.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát và kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền: bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung, công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực phù hợp với quy định pháp luật mới ban hành và thực tiễn của địa phương; kịp thời triển khai, phổ biến các văn bản QPPL để công chức và các cá nhân, đơn vị được biết (đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan); nâng cao chất lượng xây dựng văn bản QPPL; TTHC đơn giản hóa các thành phần, số lượng hồ sơ, quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC và kịp thời công bố, công khai các TTHC đúng quy định.
Tôn vinh khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích, đề xuất sáng kiến trong công tác CCHC và ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin mạng.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân nhũng nhiễu, gây chậm trễ trong giải quyết công việc, đặc biệt những trường hợp giải quyết TTHC chậm trễ bị đơn vị, tổ chức phản ánh và đánh giá không hài lòng; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành công việc.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện CCHC để rút kinh nghiệm và khắc phục kịp thời những hạn chế trong công tác CCHC của cơ quan.
Từ những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm rút ra trong quá trình chỉ đạo điều hành nhiệm vụ cải cách hành chính trong thời gian qua của tập thể Lãnh đạo Sở cộng với sự quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị hằng năm được cấp có thẩm quyền giao. Trong thời gian đến, tập thể cán bộ, công chức của Sở Tài chính quyết tâm cố gắng tạo những đột phá mới trong công tác cải cách hành chính để đạt được những mục tiêu mà Chương trình hành động số 05-CTr/TU của Tỉnh ủy đề ra đến năm 2020./.
Lê Thị Bích Thi - Chánh Văn phòng Sở