In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Những vấn đề cần lưu ý khi phân loại, xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh

Bài đăng vào lúc: 10:11:45, ngày: 10/12/2018 GMT +7


Trong công tác xử lý đơn và tham mưu, đề xuất giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, các cơ quan thanh tra thường gặp phải những khó khăn ở khâu phân loại, xử lý đơn vì đơn thường có sự lẫn lộn nhiều nội dung khác nhau: vừa khiếu nại vừa tố cáo, vừa phản ánh vừa tố cáo hay vừa có tố cáo vừa kiến nghị, ... Vì vậy, cần phải xem xét kỹ những dấu hiệu phân biệt để từ đó phân loại, xử lý đơn cho đúng theo quy định.
1. Phân loại đơn:
Hiện nay, Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định Quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh là cơ sở pháp lý áp dụng trong công tác phân loại, xử lý đơn. Thông tư này quy định tại Khoản 1, Điều 4: “Đơn là văn bản có nội dung được trình bày dưới một hình thức theo quy định của pháp luật, gửi đến cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền để khiếu nại hoặc tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh”. 
Từ khái niệm về đơn như vậy, chúng ta có thể phân các loại đơn liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh như sau:
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật Tố cáo quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Như vậy, xét về bản chất, đơn có nội dung khiếu nại khác với đơn có nội dung tố cáo thể hiện ở chỗ: đơn có nội dung khiếu nại nhằm đòi lại lợi ích mà chủ thể khiếu nại cho là họ đã bị xâm phạm, còn mục đích của đơn có nội dung tố cáo là nhằm tố giác, đề nghị xử lý hành vi vi phạm và người có hành vi vi phạm. Bản chất này chi phối việc quy định về mặt chủ thể đối với hai loại đơn này: trong khi quy định của pháp luật về khiếu nại cho phép công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại thì pháp luật về tố cáo chỉ cho phép công dân thực hiện quyền này. 
Kiến nghị là việc cá nhân, tổ chức có phản ánh với cơ quan hành chính Nhà nước và đề xuất phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.
          Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính Nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác.
Điểm khác nhau cơ bản giữa đơn kiến nghị và phản ánh:
- Đối với đơn kiến nghị, vụ việc phát sinh kiến nghị chủ yếu do con người, cơ quan có thẩm quyền tạo nên và thường đã được các cơ quan chức năng biết nhưng chưa có biện pháp khắc phục hoặc đã khắc phục nhưng chưa đến nơi, đến chốn. 
- Đối với đơn phản ánh, hầu hết những vụ việc phát sinh do công dân, tổ chức phát hiện và phản ánh với cơ quan chức năng; và qua phản ánh của công dân, tổ chức thì cơ quan chức năng mới nắm bắt được. Vụ việc phát sinh phản ánh có thể do con người (chủ thể quản lý) hoặc do khách quan (như thiên tai, hoạn nạn) gây ra.  
2. Xử lý đơn:
Xử lý đơn khiếu nại, tố cáo được quy định cụ thể trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Tuy nhiên, cần lưu ý một số nội dung sau khi xử lý sơ bộ nhằm đảm bảo hiệu quả trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo:
- Việc xử lý đơn không đúng thẩm quyền: Đối với đơn khiếu nại không đúng thẩm quyền thì người tiếp nhận không phải đề xuất việc chuyển đơn mà đề xuất việc trả lời, hướng dẫn người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết; còn đối với đơn tố cáo không đúng thẩm quyền thì khi nhận được đơn, dù không thuộc thẩm quyền của mình thì cũng phải có trách nhiệm xử lý thông tin đó bằng cách chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nếu thấy cần thiết thì phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, tránh thiệt hại có thể xảy ra.
- Giải quyết: Khiếu nại phải có quyết định giải quyết, trong khi tố cáo chỉ quy định vấn đề xử lý tố cáo.
- Thời hiệu: Khiếu nại có thời hiệu trong khi tố cáo không có thời hiệu. Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, trong khi đó, hành vi bị tố cáo không liên quan trực tiếp đến người tố cáo, thậm chí có những trường hợp họ chỉ biết hành vi đó một cách vô tình rồi báo cho cơ quan Nhà nước để xử lý, vì thế, không đặt vấn đề thời hiệu đối với tố cáo. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là mọi tố cáo nhận được đều buộc phải giải quyết mà căn cứ vào trường hợp cụ thể, các cơ quan có trách nhiệm sẽ quyết định việc này.
- Vấn đề rút đơn: Người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại vì lợi ích cá nhân, nên họ có quyền tự định đoạt, có thể tiếp tục hay chấm dứt việc khiếu nại bằng cách rút đơn khiếu nại. Đơn khiếu nại được rút thì cơ quan Nhà nước sẽ chấm dứt việc giải quyết. Còn trong lĩnh vực tố cáo thì người giải quyết tố cáo sẽ xử lý vấn đề này như sau:
  + Trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo và xét thấy việc rút tố cáo là có căn cứ thì người giải quyết tố cáo không xem xét, xử lý nội dung tố cáo đó. Trường hợp xét thấy hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện và xử lý thì người giải quyết tố cáo vẫn xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
  + Trường hợp có căn cứ cho rằng việc rút tố cáo do người tố cáo bị đe dọa, ép buộc thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, xử lý nghiêm đối với người đe dọa, ép buộc người tố cáo, đồng thời phải xem xét, xử lý tố cáo theo quy định của pháp luật.
  + Trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm hoặc vì vụ lợi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người tố cáo sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình giải quyết thì người xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật. Đơn kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình xem xét, quyết định việc chuyển đơn và các tài liệu kèm theo (nếu có) đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật. 
Đối với đơn có nhiều nội dung khác nhau thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người xử lý đơn hướng dẫn người gửi đơn tách riêng từng nội dung để gửi đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết. 
Việc phân loại, xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh thực hiện có hiệu quả sẽ tránh được tình trạng đơn “chạy” lòng vòng, khó tổng hợp và theo dõi. Vì vậy, phân loại, xử lý đơn chính xác có vai trò quan trọng giúp cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt được kết quả tốt./.

TTVC Trần Thanh Phong - THANH TRA SỞ TÀI CHÍNH