Ngày 07/12/2018, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 34/NQ-HĐND về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 với một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:
- Tổng thu NSNN trên địa bàn là 7.561,1 tỷ đồng, bao gồm:
+ Thu từ hoạt động XNK 640 tỷ đồng;
+ Thu nội địa là 6.805 tỷ đồng;
+ Thu vay bù đắp bội chi 116,1 tỷ đồng.
- Tổng chi ngân sách địa phương là 11.600,78 tỷ đồng.
Nhằm thực hiện hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 được HĐND tỉnh giao, Sở Tài chính đề xuất một số giải pháp thực hiện Quyết định số 71/QĐ-UBND ngày 09/01/2019 của UBND tỉnh ban hành một số chỉ tiêu và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó, cần tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:
1. Thu ngân sách
a) Ngành Thuế
- Phân tích kết quả thực hiện nhiệm vụ thu thuế năm 2018, đề ra các giải pháp thực hiện trong năm 2019, trong đó, chú trọng việc giao chỉ tiêu thu cho từng Phòng chuyên môn thuộc Cục Thuế, các Chi cục Thuế, đội thuế và cán bộ Thuế.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế; phối hợp với các ngành, địa phương tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tăng cường công tác kiểm tra việc kê khai thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, trốn thuế; đồng thời, rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới mức Bộ Tài chính quy định.
- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng một số quy định về: sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác nhận của cơ quan thuế; khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy và trao đổi dữ liệu điện tử thu nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy.
- Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị sử dụng hệ thống dịch vụ thuế điện tử eTax để khắc phục tình trạng trốn thuế.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan để nắm bắt kế hoạch triển khai các dự án mới, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án trong Khu công nghiệp để có biện pháp quản lý thuế kịp thời.
- Khắc phục những tồn tại, hạn chế khi triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu bằng biện pháp dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo xăng dầu trong thời gian qua.
- Tăng cường công tác kiểm tra, chống thất thu đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực lưu trú, dịch vụ ăn uống, kinh doanh vận tải...
b) Các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp và tạo điều kiện tốt nhất cho ngành Thuế thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra thu phí, lệ phí, bảo đảm việc thu đúng quy định của Nhà nước.
- Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác thu, nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2116/QĐ-UBND ngày 14/6/2017 của UBND tỉnh, trong đó, lưu ý thực hiện biện pháp khấu trừ nộp ngân sách khi được thông báo vốn thanh toán khối lượng hoàn thành đối với các dự án, công trình đầu tư từ nguồn NSNN.
- Tiếp tục triển khai tốt “Phần mềm quản lý lưu trú” trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ... tăng thu cho ngân sách nhà nước.
- Quản lý chặc chẽ việc khai thác và cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước. Đồng thời, xử lý các doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác quản lý giá: kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý giá; minh bạch hóa thông tin về giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
- Rà soát lại quỹ nhà, đất thuộc nhà nước quản lý để lập phương án sắp xếp, xử lý cho phù hợp.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, đầu tư kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu - cụm - tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có mặt bằng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
2. Chi ngân sách địa phương
- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách cho các đơn vị trực thuộc đúng nội dung, trình tự và thời gian theo quy định của Luật NSNN.
- Thực hiện nghiêm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; bố trí vốn để thu hồi tạm ứng và ứng trước ngân sách; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Sớm phân bổ vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm sử dụng hết vốn được giao trong năm; kịp thời quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước theo đúng quy định.
- Điều hành chi ngân sách theo dự toán được giao. Bố trí đầy đủ nguồn kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách đã được HĐND tỉnh giao và đối ứng kinh phí cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của các huyện, thị xã, thành phố. Tiết kiệm chi thường xuyên; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; tiết kiệm tối đa chi phí tổ chức lễ hội, hội thảo, khánh tiết, đi công tác nước ngoài. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.
- Các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương của cấp mình để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương (nếu có). Ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định. Đồng thời, thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
- Các huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng dự phòng và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định; ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ khi các địa phương đã sử dụng dự phòng của địa phương để xử lý theo quy định.
- Đẩy nhanh việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 15/10/2018 của UBND tỉnh về chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành Công ty cổ phần trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, đảm bảo đúng thời gian theo kế hoạch đề ra.
- Tiếp tục thực hiện tốt quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của địa phương.
- Tăng cường quản lý các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, công khai ngân sách nhà nước theo quy định; thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Thanh tra các cấp.
- Hệ thống Kho bạc Nhà nước tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thanh toán vốn theo quy định; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ.
Phạm Văn Thành – Trưởng phòng QLNS