In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Quy định mới về công tác kiểm toán nội bộ

Bài đăng vào lúc: 14:06:43, ngày: 01/02/2019 GMT +7


Ngày 22/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP quy định về kiểm toán nội bộ, trong đó đối tượng áp dụng là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị sự nghiệp công lập; các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nội bộ.
    Mục tiêu của quy định kiểm toán nội bộ là nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các rủi ro của đơn vị; đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro của đơn vị nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ và nâng cao hiệu quả và minh bạch trong việc quản lý, sử dụng tiền và tài sản tại đơn vị.
Nghị định số 05/2019/NĐ-CP quy định các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ, đó là:
- Tính độc lập: Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được đồng thời đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ. Đơn vị phải đảm bảo rằng kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào trong khi thực hiện nhiệm vụ báo cáo và đánh giá;
- Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ;
- Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm toán nội bộ;
     Nghị định quy định rõ người làm công tác kiểm toán nội bộ phải có 5 tiêu chuẩn sau:
    - Có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán, có kiến thức đầy đủ và luôn được cập nhật về các lĩnh vực được giao thực hiện kiểm toán nội bộ;
    - Đã có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 03 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra;
    - Có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật và hoạt động của đơn vị; có khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin; có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ;
    - Chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật;
    - Các tiêu chuẩn khác do đơn vị quy định.
Trong Nghị định này cũng quy định cụ thể về nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ; quy chế và quy trình kiểm toán nội bộ; phương pháp thực hiện kiểm toán nội bộ; kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm; thực hiện kế hoạch kiểm toán; báo cáo kiểm toán; báo cáo đột xuất và tham vấn chuyên môn; đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ; nhiệm vụ của bộ phận kiểm toán nội bộ; trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ; quyền hạn của bộ phận kiểm toán nội bộ; trách nhiệm và quyền hạn của người làm công tác kiểm toán nội bộ; trách nhiệm và quyền hạn của người phụ trách kiểm toán nội bộ;…
Nghị định số 05/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2019, trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các đơn vị thuộc đối tượng phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ phải hoàn thành các công việc cần thiết để thực hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định tại Nghị định này.
                      
THANH TRA SỞ TÀI CHÍNH