In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Những kết quả đáng ghi nhận về phong trào thi đua cải cách hành chính trong thời gian qua của Sở Tài chính Bình Định

Bài đăng vào lúc: 15:14:00, ngày: 08/06/2020 GMT +7


Trong những năm qua, Sở Tài chính luôn xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ chính trị của cơ quan cần phải phấn đấu thực hiện có hiệu quả nên Đảng ủy, người đứng đầu cơ quan luôn quan tâm chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ CCHC theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ và Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 20/10/2016 của Tỉnh ủy; Quyết định số 536/QĐ-UBND ngày 24/02/2017 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, vì vậy công tác CCHC đã đi vào nề nếp, Chỉ số cải cách hành chính luôn đạt kết quả tốt trong nhiều năm qua, góp phần quan trọng nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh nhà.
Hàng năm, Sở Tài chính đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến và cụ thể hóa kịp thời các chương trình, kế hoạch, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan; đồng thời phát động phong trào thi đua cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan và năm 2019 đã đạt kết quả tốt, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể:
Trên cơ sở phân cấp, phân quyền của Trung ương, Sở Tài chính luôn quan tâm, đề xuất cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách thể chế về lĩnh vực tài chính, ngân sách của địa phương nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý tài chính, ngân sách nhà nước cũng như hoàn thiện các chính sách, chế độ tạo điều kiện cho các đơn vị hưởng kinh phí từ ngân sách thực hiện tốt công tác quản lý tài chính và phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2019 đến tháng 6/2020 đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành 30 văn bản QPPL về tài chính, ngân sách, quản lý giá và công sản. Ngoài ra, thường xuyên rà soát, hệ thống văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhằm phát hiện những quy định chồng chéo, hết hiệu lực hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Các văn bản QPPL ban hành đúng thẩm quyền, nội dung phù hợp với pháp luật đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành nhà nước của địa phương, góp phần cải cách về thể chế và làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan để các cơ quan, đơn vị, người dân được biết, thực hiện và giám sát.
Với mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu quản lý, Sở Tài chính đã tích cực triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách TTHC, công tác chuyên môn đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong nhiều năm qua, góp phần xây dựng chính quyền điện tử.
Thường xuyên, tăng cường các giải pháp CCHC, trong đó đưa các TTHC có phát sinh hồ sơ từ dịch vụ công mức độ 2, 3 lên mức độ 4 (hiện nay có 5/36 TTHC là dịch vụ công mức độ 4), đơn giản hóa TTHC về thời gian giải quyết (ngày 28/5/2020 trình UBND tỉnh phương án đơn giản 02 TTHC trong lĩnh vực quản lý giá và công sản tại Tờ trình 312/TTr-STC); trình UBND tỉnh công bố mới hoặc bãi bỏ các TTHC (bãi bỏ 10 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý công sản và tài chính đầu tư, ban hành mới 02 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý giá). Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính đã nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan. Đồng thời, thông qua việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ cá nhân và tổ chức mọi lúc, mọi nơi với chất lượng tốt hơn, giảm thời gian đi lại cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp; nhiều thủ tục được giải quyết sớm hơn thời gian quy định (số lượng hồ sơ cấp mã số ngân sách và kê khai giá bình quân giao dịch hơn 2.000 hồ sơ/năm). Mặt khác, đội ngũ công chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tuy kiêm nhiệm nhưng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giao tiếp tốt nên chưa xảy ra trường hợp trễ hẹn phải xin lỗi các cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc áp dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh (Phần mềm Văn phòng điện tử, phần mềm theo dõi chỉ đạo của UBND tỉnh, giải quyết TTHC của Trung tâm DVHVC tỉnh). Là một trong những đơn vị trên địa bàn tỉnh tiên phong đi đầu và sớm thực hiện ký số trên văn bản điện tử, áp dụng công nghệ ký số trên điện thoại di động (tháng 3/2019) nên việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị liên thông trên môi trường mạng được thuận lợi; góp phần giảm tải công việc cho văn thư và tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước. Nhờ đổi mới phương thức làm việc qua môi trường mạng nên công tác chỉ đạo, điều hành công việc của Lãnh đạo Sở và Lãnh đạo phòng đối với công chức và người lao động được đầy đủ, kịp thời mọi lúc, mọi nơi (có nối mạng internet), dễ dàng tra cứu các tài liệu, hồ sơ phục vụ yêu cầu công việc chuyên môn, thuận lợi trong việc chia sẻ thông tin giữa các phòng và các cơ quan với nhau; góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kết quả: đã thực hiện kịp thời tất cả các chỉ đạo của UBND tỉnh được theo dõi trên phần mềm (245 công việc), không có công việc nào trễ hạn.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm Hệ thống quản lý tiền lương giúp cho việc theo dõi, quản lý nguồn kinh phí cải cách tiền lương, nguồn vốn thực hiện chi trả lương của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý được khoa học và đáp ứng yêu cầu báo cáo cho Bộ Tài chính, UBND tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Sở cộng với sự tích cực tận tình hướng dẫn của Tổ công tác nên gần 6 tháng triển khai đã vận hành thành công phần mềm cơ sở dữ liệu chi trả lương từ ngân sách địa phương cho các đơn vị dự toán khối tỉnh và huyện (kể cả các xã, phường, thị trấn) - Đây là phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu tiền lương của những người hưởng lương từ ngân sách địa phương. Đến nay, tất cả các đơn vị đã sử dụng chữ ký số trên Hệ thống quản lý tiền lương, tích hợp bảng lương vào cổng Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước tỉnh để chi trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Việc sử dụng Hệ thống quản lý tiền lương đã đem lại những lợi ích thiết thực: dự báo danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tăng lương theo quy định; hỗ trợ quản lý lưu trữ, tra cứu hồ sơ và theo dõi quá trình tăng lương. Thông qua Hệ thống quản lý tiền lương, quy trình công việc được tự động hóa, thống nhất, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng quản lý tiền lương. Đồng thời, Kế toán tiền lương giảm thiểu thời gian giao dịch với cơ quan liên quan và in ấn giấy tờ.
Ngoài ra, để phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước về giá tại địa phương, Sở Tài chính đã xây dựng Đề cương Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương và trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3295/QĐ-UBND ngày 13/9/2019. Tháng 3/2020, đã triển khai tập huấn Hệ thống phần mềm này cho các cơ quan quản lý nhà nước và hơn 200 doanh nghiệp; giúp các cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác tốt dữ liệu được nhanh chóng, hiệu quả phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về giá cả, hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu về giá đã đáp ứng các chức năng như lưu trữ dữ liệu, tổng hợp giá các loại hàng hóa, dịch vụ theo yêu cầu của Bộ Tài chính, giúp cho công tác báo cáo, dự báo về giá cả thị trường được thuận lợi.
Kết quả xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của Sở Tài chính năm 2019 đạt: Mức tốt, xếp hạng nhất đối với sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 5028/QĐ-UBND ngày 31/12/2019).
Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Năm 2018, Sở Tài chính đã xây dựng Đề án sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở Tài chính và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3648/QĐ-UBND ngày 24/10/2018. Theo đó, ngày 01/01/2019 đã hoàn thành hợp nhất Phòng Tài chính doanh nghiệp và Phòng Tin học và Thống kê thành Phòng Tài chính doanh nghiệp -Tin học (từ 6 phòng chuyên môn, nghiệp vụ giảm còn 5 phòng) và hoàn thành sắp xếp lãnh đạo cấp phòng đảm bảo theo lộ trình UBND tỉnh đã phê duyệt đến năm 2020. Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở hoàn thành sớm hơn so với lộ trình UBND tỉnh phê duyệt do Đảng ủy, Tập thể Lãnh đạo Sở làm tốt công tác tư tưởng cho công chức cộng với sự ủng hộ, đồng thuận thống nhất cao của Lãnh đạo 02 phòng được hợp nhất nên việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở được thuận lợi. Từ đó, thực hiện các trình tự thủ tục hợp nhất và bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng được kịp thời theo tiến độ đã đề ra.
Sở Tài chính với vai trò chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác cải cách tài chính công, hướng đến việc xây dựng nền hành chính lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, trong thời gian qua Sở Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai trong công tác tài chính công và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đặc biệt, trong năm 2019, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Sở đã phối hợp cùng với các ngành, các cấp nỗ lực triển khai nhiều biện pháp quản lý thu, tăng thu ngân sách địa phương nên thu ngân sách năm 2019 vượt so với dự toán HĐND tỉnh giao: tổng thu ngân sách nhà nước 13.431.829 triệu đồng, vượt 34,4% so dự toán năm và tăng 49,2% so cùng kỳ; tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 15.314.039 triệu đồng, vượt 8,4% dự toán năm và tăng 14,2% so cùng kỳ; đồng thời tham mưu điều hành chi ngân sách năm 2019 trong khả năng cân đối nguồn thu của địa phương, bám sát theo dự toán được HĐND tỉnh thông qua và cơ bản đáp ứng kịp thời các khoản chi cần thiết, bức xúc khác.
Bên cạnh đó, Sở Tài chính đã làm tốt công tác công khai đầy đủ, kịp thời các số liệu ngân sách trên Trang thông tin điện tử của cơ quan và Cổng thông tin của UBND tỉnh theo quy định Luật Ngân sách nhà nước để người dân có thể tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách và đóng góp tiếng nói của mình đối với vấn đề quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đến HĐND tỉnh thông qua đại biểu của HĐND tỉnh.
Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh theo Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 04/6/2018 của Tỉnh ủy và Quyết định số 2413/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh, tính đến nay đã giảm 29 đơn vị so với 2018 (từ 164 đơn vị còn 135 đơn vị), khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh  (135/135 đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh được giao quyền tự chủ về tài chính ); hoàn thành việc giao cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị dự toán khối tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan chuyên môn cấp huyện và cấp xã, qua đó các đơn vị đã chủ động trong việc quản lý điều hành tài chính phù hợp với tình hình tại đơn vị đồng thời đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2030 nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của loại hình đơn vị này.
Với những kết quả đạt được về công tác CCHC đã góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao năm 2019 và Sở Tài chính được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 được UBND tỉnh xếp vị trí thứ hai đối với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 1575/QĐ-UBND ngày 27/4/2020).
          Phong trào thi đua CCHC chỉ thực sự đạt hiệu quả khi người đứng đầu cơ quan xem công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, đồng thời gắn thực hiện nhiệm vụ CCHC với công tác thi đua, khen thưởng hoặc kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Do đó, để tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua CCHC, cần thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Người đứng đầu cơ quan trực tiếp phụ trách công tác CCHC; kịp thời triển khai, tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ CCHC của Bộ, ngành, địa phương.
2. Đa dạng hóa tuyên truyền, phổ biến cũng như cụ thể hóa kịp thời các chương trình, kế hoạch, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4), công tác chuyên môn; thường xuyên kiểm tra, rà soát các TTHC để kịp thời trình UBND tỉnh ban hành mới, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ TTHC và thực hiện đầy đủ các quy định về công bố, công khai theo quy định của pháp luật.
3. Tăng cường công tác chỉ đạo kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân nhũng nhiễu, gây chậm trễ trong giải quyết công việc, đặc biệt giải quyết TTHC; khẩn trương khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành công việc và công tác CCHC. Bố trí công chức giải quyết TTHC có trình độ, năng lực và có tinh thần phục vụ tốt để hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp và giải quyết TTHC đúng thời gian quy định.
4. Thường xuyên cải tiến trang thông tin điện tử của cơ quan, đưa các thủ tục hành chính, các văn bản QPPL thuộc phạm vi quản lý trên trang thông tin điện tử để các cá nhân, tổ chức, đơn vị được biết và giám sát. Đồng thời, tăng cường các tin, bài viết về hoạt động của cơ quan, ngành để trang thông tin được phong phú, đa dạng về hoạt động.
5. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác CCHC, qua đó kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình, những sáng kiến có hiệu quả trong công tác CCHC tại cơ quan.
                                                                                                           
Văn phòng Sở Tài chính