In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Phổ biến, quán triệt Luật tố cáo năm 2018

Bài đăng vào lúc: 16:21:27, ngày: 26/12/2018 GMT +7


Ngày 25/12/2018, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Tố cáo năm 2018, phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Tố cáo năm 2018, đồng thời đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nghiên cứu những nội dung mới của Luật Tố cáo năm 2018 để thực hiện giải quyết tố cáo có hiệu quả trong thời gian đến. 
 
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị.
    
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Phó Chánh Thanh tra tỉnh Đoàn Quang Sáu giới thiệu một số nội dung mới của Luật Tố cáo năm 2018 đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo năm 2011 như:
Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo năm 2011 chưa quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các trường hợp như: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ xảy ra trong thời gian cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi họ công tác chưa bị hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Luật Tố cáo năm 2011 chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ và thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo 2011 quy định thiếu chặt chẽ hoặc chưa cụ thể đối với một số tình huống như: Tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; người tố cáo rút đơn tố cáo; tạm dừng, đình chỉ việc giải quyết tố cáo; tố cáo tiếp và giải quyết lại vụ việc tố cáo tiếp.
Thứ ba, về tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo: Luật Tố cáo năm 2011 chưa quy định rõ vấn đề này dẫn đến tình trạng nhiều kết luận, quyết định xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo có hiệu lực pháp luật nhưng không được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh, nhất là việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; xử lý sai phạm về kinh tế,… gây bức xúc cho người dân và xã hội.
Thứ tư, về bảo vệ người tố cáo: Luật Tố cáo năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định này khó thực hiện, chưa tạo nên cơ chế pháp lý để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất.
Nhìn chung, Luật Tố cáo năm 2018 được xây dựng dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn, kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật Tố cáo năm 2011 và bổ sung nội dung mới nên đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
                      
Phan Ngọc Phú – Chánh Thanh tra Sở