Ngày 18/01/2017 Sở Tài chính đã tham dự Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội vụ năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 tại Sở Nội vụ tỉnh Bình Định.
Về dự Hội nghị ngành Nội vụ có hơn 50 đại biểu các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố tham dự Hội nghị.
Đồng chí Lâm Hải Giang, Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu khai mạc Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở trình bày Báo cáo tham luận về “Chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức”.
Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài chính trình bày Báo cáo tham luận
Chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm phòng ngừa tham nhũng trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và theo quy định, một trong những vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực, ngành, nghề trong đó có hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Nhà nước. Chính vì vậy, Sở Tài chính là một trong những cơ quan phải thực hiện nghiêm công tác này.
Sở Tài chính tỉnh Bình Định là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách của địa phương nên lĩnh vực quản lý rộng, đa dạng và những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như tài chính hành chính sự nghiệp; quản lý ngân sách; tài chính đầu tư; quản lý, mua sắm tài sản công; thanh tra tài chính. Chính vì vậy, trong những năm qua Lãnh đạo Sở Tài chính thường xuyên quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong công tác quản lý tài chính, ngân sách nhà nước. Vì đây là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá phẩm chất, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan theo quy định.
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007; Sở Tài chính đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác và đạt được kết quả như sau:
Song song công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng và Nhà nước về kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng là công tác phổ biến, quán triệt nội dung, ý nghĩa của việc chuyển đổi vị trí công tác cho toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan để khi chuyển đổi vị trí công tác sẽ không xáo trộn sự ổn định trong cơ quan, giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác.
Đồng thời, theo đó hàng năm Sở Tài chính đã xây dựng và ban hành các văn bản trọng tâm như: Quyết định số 3476/QĐ-STC-VP ngày 29/10/2015 Quy chế luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức các phòng thuộc Sở Tài chính; Kế hoạch số 3986/KH-STC ngày 11/12/2015 về việc luân chuyển vị trí công tác của cán bộ, công chức Sở Tài chính năm 2016; Quyết định số 3735/QĐ-STC ngày 25/10/2016 về việc ban hành danh mục các lĩnh vực định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức của Sở Tài chính; Kế hoạch số 4486/KH-STC ngày 12/12/2016 chuyển đổi vị trí công tác năm 2017 của Sở Tài chính tỉnh Bình Định.
Chuyển đổi vị trí công tác là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Vì chuyển đổi vị trí công tác không những chủ động phòng ngừa tham nhũng mà nhằm bảo đảm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn, qua đó tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ quan.
Xác định mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, vì vậy trong những năm qua Lãnh đạo Sở luôn xác định việc chuyển đổi vị trí công tác phải đảm bảo phát huy năng lực, sở trường công tác của từng cán bộ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sâu, kỹ năng công tác đa lĩnh vực.
Hàng năm, Sở Tài chính đã tổ chức thực hiện rà soát những cán bộ, công chức đến thời hạn phải chuyển đổi vị trí công tác thuộc danh mục các lĩnh vực định kỳ chuyển đổi tại các phòng chuyên môn như phòng Tài chính hành chính sự nghiệp, phòng Quản lý ngân sách, phòng Tài chính đầu tư, Thanh tra Sở. Kết quả từ năm 2010 đến nay đã chuyển đổi 11 công chức thuộc các phòng chuyên môn trong Sở. Ngoài ra, hằng năm đã hoán đổi cán bộ chuyên trách các sở, ban, ngành, đơn vị, các lĩnh vực với nhau trong nội bộ phòng, thời hạn từ 3 đến 5 năm. Đồng thời, trong quá trình thực hiện chuyển đổi công việc, Lãnh đạo các phòng cử cán bộ hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ mới điều chuyển đến; cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn do ngành tổ chức cũng như tham gia các lớp kỹ năng quản lý nhà nước do UBND tỉnh, Sở Nội vụ tổ chức để cán bộ, công chức nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về mọi mặt. Mặt khác, những phòng chuyên môn khác không thuộc danh mục vị trí công việc cần chuyển đổi nhưng Lãnh đạo phòng thường chủ động thực hiện chuyển đổi các vị trí công việc với nhau nhằm nâng cao năng lực chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ.
Đối tượng chuyển đổi vị trí công tác là những cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Cách thức: hàng năm, các phòng chuyên môn thuộc Sở gửi kế hoạch phân công nhiệm vụ của các cán bộ, công chức trong phòng về Văn phòng Sở. Trên cơ sở đó, Văn phòng Sở phối hợp với các Trưởng phòng căn cứ vào số lượng cán bộ, công chức đủ điều kiện chuyển đổi vị trí công tác lập danh sách, xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác giữa các phòng thuộc Sở hoặc hoán đổi giữa các vị trí công tác trong phòng với nhau; trình Lãnh đạo Sở phê duyệt kế hoạch và sau đó công khai cho cán bộ, công chức được biết.
Trong những năm qua, những vị trí công tác được chuyển đổi phần lớn phù hợp với danh mục, vị trí cần chuyển đổi theo quy định như: quản lý tài chính, ngân sách các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị dự toán khối tỉnh; thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Trong đó, những vị trí chuyển đổi thường xuyên là quản lý tài chính các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý tài chính đầu tư.
Chuyển đổi vị trí công tác được coi là biện pháp trong công tác quản lý, sử dụng và đào tạo cán bộ nhằm rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện hơn đáp ứng yêu cầu kinh tế xã hội ngày càng phát triển và hội nhập. Chính vì vậy, Lãnh đạo Sở luôn coi trọng công tác tư tưởng, động viên, khuyến khích tính tự giác đối với cán bộ thuộc diện phải chuyển đổi vị trí công tác để cán bộ chấp hành quyết định của cơ quan. Đồng thời, luôn công khai, minh bạch một cách khách quan trong công tác này. Do đó, trong thời gian qua các cán bộ, công chức đều chấp hành tốt quy định này, nội bộ luôn đoàn kết và không xảy ra tình trạng các đơn vị, tổ chức, cá nhân khiếu nại, tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức của Sở.
Trong những năm qua, Sở Tài chính thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ đạt được những kết quả nhất định và đã góp phần ngăn ngừa công tác tham nhũng, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức, đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn ngày càng nhiều và đa dạng; góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được cấp có thẩm quyền giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên thì vẫn có những khó khăn nhất định trong thực hiện công tác này, như: một số cán bộ, công chức không muốn chuyển đổi vị trí công tác do họ đã quen, thạo công việc, vị trí đã đảm nhận nên không muốn có sự thay đổi; một số vị trí công tác thuộc lĩnh vực cần chuyên sâu nghiệp vụ, kỹ năng công tác, bề dày kinh nghiệm trong thực tiễn và có tính ổn định lâu dài, thường gặp nhiều trở ngại khi phải chuyển đổi như: quản lý ngân sách (công tác tổng hợp), tin học, quản lý giá,..nên chỉ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ trong nội bộ phòng với nhau nhằm nâng cao và chuyên sâu nghiệp vụ.
Chuyển đổi vị trí công tác không những vừa góp phần ngăn ngừa tham nhũng, vừa là biện pháp trong công tác quản lý, sử dụng, đào tạo cán bộ mà còn góp phần không nhỏ vào công tác cải cách hành chính.
Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, khó khăn trong thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong thời gian đến, Sở Tài chính có một số kiến nghị và biện pháp sau:
1. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan phải dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm về kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác hàng năm hoặc định kỳ. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải phù hợp với chuyên môn đề từ đó giúp cho cán bộ, công chức phát huy hiệu quả có thêm kinh nghiệm mới trong các lĩnh vực khác nhau và cũng là một hình thức đào tạo, bồi dưỡng để có thêm kinh nghiệm thực tiễn. Đây chính là cơ sở để quy hoạch cán bộ đề từ đó bổ nhiệm, đề bạt cán bộ một cách chính xác và toàn diện.
Ngoài ra, không nên chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ sang những lĩnh vực công việc quá mới mẻ làm cho cán bộ không thể phát huy được năng lực, sở trường chuyên môn từ đó làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, sự ổn định trong nội bộ cơ quan.
2. Đối với những công việc có tính chất giao tiếp, tiếp xúc nhiều với người dân, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức như: bộ phận thực hiện công việc tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa, công tác đền bù và GPMB, thanh tra, thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành,...thì đối tượng chuyển đổi vị trí công tác cần cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, nhạy bén, linh hoạt trong xử lý công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ.
Nội dung tham luận của Sở Tài chính về chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ đã được Phó Giám đốc Sở trình bày và chia sẻ thêm những kinh nghiệm thực hiện công tác này trong những năm qua đã được các đại biểu tham dự Hội nghị đồng tình và thống nhất cao./.
Lê Thị Bích Thi