In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Tăng cường công tác phối hợp điều hành thu ngân sách nhà nước năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Bài đăng vào lúc: 16:39:00, ngày: 28/12/2020 GMT +7


Chiều ngày 23/12/2020, Cục Thuế tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2021 tại Khách sạn Hải Âu, thành phố Quy Nhơn. Đến dự Hội nghị có ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị và lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Tổng Cục thuế, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Trong năm 2020, mặc dù trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và thiên tai nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự nỗ lực cao của các ngành, các cấp trong việc triển khai nhiều biện pháp quản lý thu, khai thác các nguồn thu cho ngân sách nhà nước nên thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: thu nội địa ước thực hiện 11.486,5 tỷ đồng, vượt 27,6% dự toán năm, bằng 90,1% so với cùng kỳ, nếu loại trừ tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại, ước thực hiện 6.341,5 tỷ đồng, vượt 8,0% so với dự toán năm và tăng 11% so với cùng kỳ, tạo điều kiện thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chi mà Hội đồng nhân dân tỉnh đã quyết nghị và các nhiệm vụ bức xúc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chính sách an sinh xã hội của tỉnh, cụ thể, chi NSĐP ước thực hiện là 18.033 tỷ đồng, vượt 15,4% dự toán năm và tăng 7,1% so với cùng kỳ, trong đó, chi đầu tư phát triển là 5.945 tỷ đồng, vượt 50,7% so với dự toán năm, bằng 91,9% so với cùng kỳ và chi thường xuyên là 6.896 tỷ đồng, đạt 98% so với dự toán năm, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân đạt được những kết quả trên là do:
- Sở Tài chính phối hợp với Cục thuế và các ngành có liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt trong công tác chống thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh mà trọng tâm là 4 lĩnh vực cụ thể: kinh doanh xăng dầu; dịch vụ vận tải; dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn và xử lý thu hồi nợ thuế.
- Ngành Thuế đã tích cực triển khai nhiều biện pháp quản lý thuế và chống thất thu như: tăng cường kiểm tra chống sót đối tượng nộp thuế và mức thuế khoán đối với các hộ kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế; đặc biệt tăng cường phân tích, khai thác các nguồn thu trên ứng dụng “Tổng hợp, giám sát hồ sơ khai thuế” để nắm chắc từng nguồn thu, quản chặt chẽ từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn,...
- Xác định thu NSNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cùng với Cục Thuế, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu UBND tỉnh nhiều văn bản, chỉ đạo điều hành về công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác thu, nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh được ban hành tại Quyết định số 2116/QĐ-UBND ngày 14/6/2017, Sở Tài chính đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ như: ghi thu, ghi chi tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp đối với các dự án trên địa bàn tỉnh; xử lý kịp thời các tài khoản tạm thu, tạm giữ nộp NSNN theo quy định của Luật NSNN; hạch toán đầy đủ, chính xác, kịp thời các khoản thu ngân sách do cơ quan tài chính trực tiếp quản lý,…
Riêng đối với năm 2020, nhận định những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ có tác động không nhỏ đến nguồn thu NSNN trên địa bàn tỉnh, thực hiện những chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Tài chính đã tích cực theo dõi sát diễn biến thu ngân sách hàng tháng, quý, trên cơ sở đó đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh 16 văn bản chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thu NSNN, đặc biệt là ngành Thuế, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu ngân sách nhà nước đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế bảo vệ môi trường,…và đồng thời, khai thác các khoản thu còn tiềm năng, tìm các nguồn thu mới nhằm tăng thu cho ngân sách để bù đắp các khoản thu bị sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, qua đó, đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2020.

 
Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Tài chính Bình Định trình bày Báo cáo tham luận về công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước năm 2020 trên địa bàn tỉnh tại Hội nghị.
 
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trao Bằng khen UBND tỉnh cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phối hợp thu NSNN và nộp thuế năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu cũng còn một số hạn chế: mặc dù kết quả thu có bước tăng trưởng cao so với năm trước, song cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững vì vẫn còn tình trạng thất thu thuế tại một số lĩnh vực như tài nguyên, khoáng sản, hộ, cá nhân kinh doanh,...
Sang năm 2021, phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2020, hướng đến hoàn thành mục tiêu “nhiệm vụ kép” vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình so với cả nước, trong đó thu NSNN đạt 11.025 tỷ đồng (thu nội địa vượt 5% so với dự toán HĐND giao). Để đạt được những mục tiêu trên, bên cạnh sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đòi hỏi các ngành, các cấp phải nỗ lực với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao trong việc phối hợp triển khai các biện pháp điều hành thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, tại Hội nghị Sở Tài chính đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
1. Các ngành, các cấp triển khai ngay các biện pháp cụ thể, chỉ đạo sâu sát trong quá trình thực hiện để phấn đấu thu ngân sách đạt chỉ tiêu đã giao; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm hỗ trợ và tạo điều kiện về mọi mặt cho các cơ quan thuộc ngành Tài chính, nhất là cơ quan Thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách theo quy định của pháp luật.     
2. Quản lý chặt chẽ nguồn thu NSNN từ thuế, mở rộng cơ sở thuế nội địa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế; phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý thu, chống thất thu, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế.
3. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp, triển khai tốt việc vận hành “Phần mềm quản lý lưu trú” trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ... tăng thu cho ngân sách nhà nước.
4. Cục Thuế và Sở Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng xây dựng phần mềm kết nối chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan tài nguyên và môi trường và cơ quan thuế trong các lĩnh vực về: đất đai, tài nguyên, khoáng sản… để thực hiện thông báo kịp thời việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Người nộp thuế.
5. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác thu, nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2116/QĐ-UBND ngày 14/6/2017 của UBND tỉnh, trong đó, lưu ý việc kết nối thông tin phục vụ công tác thu thuế giữa ngành Thuế với các cơ quan chức năng.
6. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Sở Tài chính sẽ tích cực phối hợp, tạo mọi điều kiện, đảm bảo kinh phí để các ngành, các cấp hoàn thành nhiệm vụ được giao. 
                        
Thái Công Luận – Phòng Quản lý ngân sách