In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Sở Tài chính báo cáo tham luận tại Hội nghị công bố các chỉ số cải cách hành chính năm 2022 và triển khai công tác cải cách hành chính năm 2023

Bài đăng vào lúc: 09:32:00, ngày: 06/03/2023 GMT +7


Ngày 02/3/2023, tại Hội nghị công bố các chỉ số cải cách hành chính năm 2022 và triển khai công tác cải cách hành chính năm 2023, Sở Tài chính đã báo cáo tham luận với nội dung “Nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập để tạo ra sự đột phá trong công tác cải cách hành chính của tỉnh”.


 
(Đồng chí Đặng Thu Hương – Phó Giám đốc Sở Tài chính trình bày tham luận tại Hội nghị)


Một số nội dung báo cáo tham luận như sau:
1. Về kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP: Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có tổng cộng 690/732 đơn vị được giao quyền tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trong đó: Khối tỉnh là 92 đơn vị (nhóm 01 là 07 đơn vị, nhóm 2 là 12 đơn vị, nhóm 3 là 55 đơn vị, nhóm 4 là 18 đơn vị); Khối huyện 598 đơn vị (nhóm 2 là 18 đơn vị, nhóm 3 là 100 đơn vị, nhóm 4 là 480 đơn vị).
2. Tình hình ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021
Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh:
- Có 17 đơn vị (11 Sở, ban, ngành và 06 UBND huyện, thị xã, thành phố) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực theo Nghị định của Chính phủ thuộc phạm vi quản lý của các ngành tại địa phương
- 14 đơn vị (09 Sở, ban, ngành và 05 UBND huyện, thị xã, thành phố) chưa đề xuất tham mưu hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Vì một số lĩnh vực Bộ ngành Trung ương chưa có hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế liên quan (lĩnh vực Y tế - Dân số, Nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, …) nên các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định.
3. Tình hình ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương án giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các ngành tại địa phương, cụ thể:
- Quyết định số 3497/QĐ-UBND ngày 25/08/2020 của UBND tỉnh Bình Định về việc Phê duyệt hệ số điều chỉnh định mức kinh tế - kỹ thuật và danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực việc làm và Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 08/02/2021 của UBND tỉnh Bình Định về việc Phê duyệt Bộ đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực việc làm trên địa bàn tỉnh;
- Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 12/01/2021 của UBND tỉnh Bình Định về việc Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương án giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tỉnh Bình Định.
4. Khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP
Theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính Phủ, đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá theo quy định tại khoản 3, Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay, các định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa được trung ương ban hành đầy đủ dẫn đến các đơn vị, địa phương rất lúng túng trong việc xây dựng và đề xuất UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo quy định.
Năm 2020-2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế xã hội, nguồn thu của các đơn vị SNCL bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực y tế và lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Việc đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ của giai đoạn trước nhằm đề xuất phương án tự chủ cho giai đoạn tới không đảm bảo tính đầy đủ, khách quan, từ đó, ảnh hưởng đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định tiếp theo.
5. Đề xuất giải pháp đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập để tạo ra sự đột phá trong công tác cải cách hành chính của tỉnh
Từ những khó khăn, thách thức nêu trên, các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN muốn tăng cường tự chủ tài chính cần chuyển sang cơ chế đặt hàng; muốn thực hiện được phương thức đặt hàng, các đơn vị cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN. Để đổi mới và nâng cao năng lực tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025 và dự kiến đến năm 2030, Sở Tài chính đã đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:
a) Xây dựng và hoàn thiện các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước:
Việc đề xuất UBND tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương để làm cơ sở thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc: (i) Đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước bảo đảm kinh phí; đối với các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện; đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia; (ii) Rà soát các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành áp dụng cho các đơn vị, địa phương để thống nhất ban hành thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh; (iii) Bổ sung đối với các danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực quản lý được Chính phủ quy định.
b) Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để xác định khung giá dịch vụ sự nghiệp công, làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đối với các ĐVSNCL.
Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của từng ngành, từng lĩnh vực được thực hiện theo nguyên tắc: (i) Đảm bảo tính đúng, tính đủ để việc thực hiện dịch vụ sự nghiệp công đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành; (ii) Đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định, thống nhất và tính kế thừa của định mức kinh tế - kỹ thuật trước đó. Khi có sự thay đổi về công nghệ hoặc các yếu tố khác làm cho định mức không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì điều chỉnh hoặc xây dựng mới cho phù hợp; (iii) Ưu tiên triển khai trước đối với các ngành, lĩnh vực đã có văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương.
Triển khai thực hiện, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh trong năm 2023 ưu tiên triển khai trước đối với các ngành, lĩnh vực đã có văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương: Phát thanh và Truyền hình, giáo dục thường xuyên, ứng dụng khoa học và công nghệ để đảm bảo đủ điều kiện chuyển sang cơ chế đặt hàng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc các lĩnh vực này.
c) Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương, hiệu quả hoạt động của đơn vị.
d) Rà soát các nguồn thu sự nghiệp để nâng mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập góp phần giảm chi thường xuyên của NSNN,  giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
đ) Thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 150/2020/NĐ-CP thành Công ty cổ phần tạo điều kiện để đơn vị đổi mới về phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, nhân sự, cách thức quản trị tài chính của đơn vị nhằm tăng cường tính chủ động và hiệu quả tài chính của đơn vị.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Sở Tài chính là một trong những cơ quan tích cực trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh và đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện công tác cải cách hành chính từ năm 2021 đến năm 2022.
  
 

Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp./.