In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Sở Tài chính tổ chức Hội nghị Phổ biến nội dung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Bài đăng vào lúc: 12:06:00, ngày: 25/10/2022 GMT +7


Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và ngày 16/9/2022 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, tạo ra cơ chế chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong công tác điều hành, quản lý tài chính – kế toán, tài sản ... theo hướng tự chủ cao nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 
Để triển khai thực hiện quy định tại các Văn bản nêu trên, Sở Tài chính tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2022/TT-BTC về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
 
(Bà Đặng Thu Hương – Phó Giám đốc Sở Tài chính phát biểu triển khai Hội nghị)


Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của hơn 70 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị dự toán khối tỉnh và 11 điểm cầu trực tuyến huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, Sở Tài chính đã trình bày một số điểm mới của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, như:
Thứ nhất, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP chỉ quy định nội dung tự chủ về tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, không quy định nội dung tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự như trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP.
Thứ hai, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở,…
Thứ ba, giá dịch vụ công được quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, theo đó lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).
Thứ tư, cách phân loại các đơn vị tự chủ tài chính đã được chi tiết, cụ thể hơn, đồng thời tiêu chí để xác định mức tự chủ về đầu tư cũng rõ ràng hơn. Các đơn vị tự chủ tài chính được phân thành 4 nhóm, gồm: Nhóm 1 là các đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Nhóm 2 là các đơn vị tự chủ chi thường xuyên. Nhóm 3 là các đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên, được phân thành 3 loại: đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên. Nhóm 4 là các đơn vị do Nhà nước bảo đảm kinh phí.
Thứ năm, cách tính mức độ tự chủ cũng đã đổi mới, đặc biệt ở chỉ tiêu xác định số thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân chỉ xác định chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước).
Thứ sáu, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP  quy định cụ thể tự chủ về giao dịch tài chính và liên doanh, liên kết, trong đó điểm mới nổi trội là các quỹ được trích lập theo quy định tại Nghị định này (gồm quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; quỹ khen thưởng phúc lợi; quỹ bổ sung thu nhập) được gửi tiền tại ngân hàng thương mại để quản lý.
Thứ bảy, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể tự chủ tài chính của ĐVSNC trong lĩnh vực y tế, dân số; giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Thứ tám, lộ trình giao quyền tự chủ tài chính cho ĐVSNC, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định ĐVSNC xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 5 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề trao đổi, thảo luận một cách sôi nổi về: thẩm quyền phê duyệt đinh mức kinh tế - kỹ thuật ngành giáo dục; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực y tế, dân số và gia đình;…
 




 
 
Kết thúc, đồng chí Đặng Thu Hương đã tổng kết một số nội dung cần lưu ý đã được trình bày tại hội nghị, và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực tài chính và tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo gửi về Sở Tài chính để kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Nguyễn Thị Thu Trang - Phòng TCHCSN.