In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản công

Bài đăng vào lúc: 11:02:00, ngày: 08/02/2021 GMT +7


 
            Ngày 21/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
          Để triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu quả, kịp thời và đồng bộ, trên cơ sở Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Sở Tài chính Bình Định đã phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu, xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, hoàn thiện cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước quản lý việc sử dụng tài sản theo quy định. Đến nay, địa phương đã tổ chức quán triệt thi hành và phổ biến các nội dung của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; Cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, bảo đảm thông tin về tài sản được đầy đủ, kịp thời, chính xác phục vụ trực tiếp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; Rà soát, thực hiện nghiêm túc quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả tài sản công trang bị cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công, đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho Luật được triển khai hiệu quả. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công thực hiện các nội dung như: Bảo vệ, sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; Lập, quản lý hồ sơ tài sản công, hạch toán, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về kế toán; Báo cáo và công khai tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Thực hiện nghĩa vụ tài chính trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật; Giao lại tài sản công cho Nhà nước khi có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền; Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giám sát của cộng đồng, cán bộ, công chức, viên chức và Ban Thanh tra nhân dân trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 2 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; khoản 3 Điều 138 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Điều 7 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và khoản 3 Điều 18 Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND ngày 20/7/2018 của UBND tỉnh Bình Định ban hành quy định phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bình Định đều quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công được xây dựng theo các căn cứ: (i) Tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan, người có thẩm quyền quy định; (ii) Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (iii) Thực trạng và yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Các nội dung chủ yếu của Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công: (i) Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến đầu tư xây dựng, mua sắm, tiếp nhận, thuê, khoán kinh phí, sử dụng, khai thác, kiểm kê, đánh giá lại, chuyển đổi công năng sử dụng, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý tài sản khác; lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ tài sản; bảo vệ tài sản; bảo dưỡng, sửa chữa tài sản; kiểm kê, kiểm tra tài sản; báo cáo tài sản công. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội có sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, ngoài các nội dung quy định tại điểm này, Quy chế phải quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; (ii) Trách nhiệm bàn giao tài sản công khi thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi người đứng đầu; (iii) Xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế; (iv) Các nội dung khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Để tạo sự đồng thuận và đảm bảo sự tuân thủ, Quy chế cần phải được thảo luận rộng rãi, dân chủ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trước khi ban hành; sau khi ban hành phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
 
Nguyễn Thị Mai Anh, Phòng TC - HCSN