In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021

Bài đăng vào lúc: 08:07:00, ngày: 18/01/2021 GMT +7


Trong những năm qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp bình ổn thị trường, trong đó có biện pháp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã phát huy hiệu quả trong việc giữ ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu trong thời điểm nhạy cảm, ngăn chặn tình trạng đầu cơ gây khan hiếm hàng hóa, sốt giá ảo gây rối loạn thị trường, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm hàng hóa của nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị tham gia bình ổn đã nghiêm túc thực hiện công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa được cam kết trong thời điểm dễ gây khan hiếm, sốt giá với số lượng, giá cả ổn định, hợp lý, chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đã tạo được sự quan tâm của các tầng lớp dân cư, qua đó tác động tích cực đến việc định hướng được giá bán ở thị trường tự do, hạn chế tình trạng tiểu thương tích trữ hàng gây sốt giá ảo tại các chợ dân sinh và cửa hàng bán lẻ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. 
Tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá là hết sức cần thiết, do đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5177/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 về việc phê duyệt Phương án bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với 04 đơn vị: Cơ sở Nem chả Ngọc Liễu (Hoài Ân), UBND các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão tham gia thực hiện phương án bình ổn. Thời gian thực hiện Phương án bình ổn giá là 03 tháng kể từ ngày 02/01/2021 đến hết ngày 02/4/2021. 
 Đồng thời, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuẩn bị cân đối nguồn hàng bán bình ổn giá, UBND tỉnh đã tạm ứng với mức tổng kinh phí để thực hiện chương trình bình ổn giá trên địa bàn toàn tỉnh là 6.461.100.000 đồng tại Quyết định số 5344/QĐ-UBND ngày 29/12/2020, cụ thể: 
- Cơ sở Nem chả Ngọc Liễu là 3.140.000.000.000 đồng; 
- UBND huyện Vân Canh là 920.000.000 đồng; 
- UBND huyện Vĩnh Thạnh là 690.000.000 đồng;
- UBND huyện An Lão là 1.711.100.000 đồng.
 Riêng đối với các khoản kinh phí tổ chức vận chuyển hàng hóa phục vụ cung ứng cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa tại 03 huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và Cơ sở Nem chả Ngọc Liễu (thay thế cho UBND huyện An Lão trước đây đảm nhiệm phục vụ cung ứng hàng hóa đến 02 xã Đăk Mang, Bok Tới, huyện Hoài Ân), Sở Tài chính đề xuất UBND chỉ đạo UBND các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và Cơ sở Nem chả Ngọc Liễu rà soát, lập dự toán kinh phí tổ chức vận chuyển, cung ứng hàng hóa bình ổn Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 (trong 03 tháng thực hiện chương trình bình ổn) theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/9/2019 của Chính phủ về Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. 
Các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn giá phải đảm bảo các mặt hàng tham gia đạt tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, phải được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền theo quy định; cam kết thực hiện bán hàng với giá cả phù hợp, không vượt quá giá trần cam kết và theo Phương án bình ổn giá được phê duyệt. Ngoài ra, các đơn vị phải tổ chức các quầy, điểm bán hàng bình ổn cố định, các điểm bán hàng lưu động, tổ chức đưa hàng bình ổn giá đến tận người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi…; mở rộng diện tích trưng bày hàng bình ổn giá và tăng cường nhân viên bán hàng đảm bảo phục vụ tốt cho người dân mua sắm trong thời gian thực hiện bình ổn; đồng thời phải thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá bán tại các điểm bán hàng đúng theo giá đã cam kết.
Ngoài ra, Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra, giám sát thực hiện Phương án bán hàng bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 theo Kế hoạch số 01/KH-SCT ngày 13/01/2021 của Sở Công Thương (dự kiến chia làm 02 đợt kiểm tra); mục đích kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn về số lượng, chủng loại, chất lượng theo đúng phương án và cam kết của doanh nghiệp; kiểm tra việc niêm yết giá cam kết và bán đúng giá niêm yết tại khu vực bán hàng bình ổn; kiểm tra điều kiện quầy hàng, việc thực hiện treo biển nhận diện tại các điểm bán hàng bình ổn và công tác tuyên truyền của các đơn vị đăng ký bán hàng bình ổn (treo băng rôn, phướn, tờ rơi, thông báo…). Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác tổ chức nguồn hàng, dự trữ và bán hàng của các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn các mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, chủ động kiểm soát, điều tiết kịp thời giá các mặt hàng thiết yếu của các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn khi có biến động về cung cầu giá cả thị trường.
Chương trình bình ổn giá nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trong mùa mưa bão, dịch bệnh, những ngày lễ, những tháng cuối năm 2020, dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021; đáp ứng nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình bình ổn giá tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng; mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường, gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ đó, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Chương trình hướng tới thúc đẩy phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán hàng nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng./.