In:
Chế độ xem:
Cỡ chữ: A | A- | A+

Công tác quản lý nhà nước về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn tỉnh Bình Định

Bài đăng vào lúc: 08:59:00, ngày: 19/01/2024 GMT +7


Trên cơ sở Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, cụ thể là sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018), Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2021). Các quy định tại Nghị định nêu trên là hành lang pháp lý để thực hiện công tác rà soát, thống kê, sắp xếp lại, xử lý toàn bộ các cơ sở nhà, đất tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước đang quản lý, sử dụng; bảo đảm việc sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, sử dụng đúng mục đích được Nhà nước giao, đầu tư xây dựng, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tổng số cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của địa phương thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là 3.808 cơ sở. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã tích cực chủ động triển khai, hướng dẫn, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị đẩy nhanh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Theo đó, trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, Sở Tài chính đã chủ trì kiểm tra, rà soát, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp đối với 3.486 cơ sở (chiếm khoảng 92%), trong đó: Giữ lại tiếp tục sử dụng: 3.299 cơ sở, thu hồi: 38 cơ sở, điều chuyển: 63 cơ sở, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý: 70 cơ sở, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất: 16 cơ sở. Đối với 322 cơ sở nhà, đất còn lại, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại Tờ trình số 568/TTr-STC ngày 29/11/2023.
Ngoài ra, đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư thuộc phạm vi quản lý của trung ương, Sở Tài chính đã đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính đồng ý chuyển giao về địa phương 21 trụ sở để bố trí cho cơ quan, đơn vị của tỉnh làm trụ sở làm việc. Qua đó giảm kinh phí bố trí đầu tư xây dựng trụ sở cho một số đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số tiền thu được thông qua công tác đấu giá tài sản công là trụ sở làm việc sau khi thực hiện công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là: 237,81 tỷ đồng, cụ thể:

 
Năm Số cơ sở nhà, đất nhà, đất bán đấu giá Số tiền thu được từ
bán đấu giá
2019 01 15,04 tỷ đồng
2020 01 8,97 tỷ đồng
2021 11 95,68 tỷ đồng
2022 05 60,09 tỷ đồng
2023 04 58,03 tỷ đồng
Tổng 22 237,81 tỷ đồng
 

Qua công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích; giúp thống kê được số lượng, diện tích, hiện trạng sử dụng và tình trạng hồ sơ pháp lý nhà, đất; thực hiện việc điều chuyển tài sản từ nơi thừa sang nơi thiếu, thu hồi trụ sở dôi dư từ đơn vị này để bố trí cho đơn vị khác có nhu cầu sử dụng; tổ chức đấu giá đất đối với các cơ sở nhà, đất nhỏ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, phù hợp với mục đích đất mới là đất ở, qua đó giúp tăng nguồn thu cho NSNN.

Trong quá trình thực hiện công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, Sở Tài chính đều tham mưu, đề xuất UBND tỉnh theo hướng ưu tiên bố trí cơ sở nhà, đất dôi dư từ cơ quan, đơn vị này sang cơ quan, đơn vị khác chưa đảm bảo diện tích làm việc để sử dụng làm trụ sở làm việc hoặc bố trí vào mục đích công cộng của địa phương, trường hợp các cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng làm việc thì Sở Tài chính mới đề xuất theo hướng chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Hiện nay, vẫn còn một số điểm trường cũ thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp huyện đang dôi dư, chưa xử lý dứt điểm. Vì một số địa phương như UBND huyện Phù Cát, UBND huyện Hoài Ân không có nhu cầu bố trí điểm trường vào mục đích công cộng như nhà văn hóa, khu thể thao thôn, khu phố, khu sinh hoạt cộng đồng thôn theo như ý kiến kết luận của Ban Cán sự Đảng và UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 01/3/2022. Để xử lý dứt điểm các điểm trường dôi dư nêu trên, việc lựa chọn hình thức xử lý theo hướng chuyển giao cơ sở nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác có liên quan là phù hợp, cần thiết.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác sắp xếp, xử lý nhà, đất trong thời gian đến, Sở Tài chính đề nghị lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương quan tâm hơn nữa trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất, cụ thể thường xuyên rà soát, đề xuất xử ký kịp thời các cơ sở nhà, đất dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng, tránh tình trạng để trống gây lãng phí, xuống cấp; khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất để Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo định kỳ cho UBND tỉnh và Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó Sở Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét xử lý tài sản dôi dư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phấn đấu trong năm 2024 hoàn thành việc xử lý các cơ sở nhà, đất hiện dôi dư, không sử dụng.