Ngày 30/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước (
gọi tắt là Nghị định số 10/2019/NĐ-CP). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2019 và thay thế Nghị định số
99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Nghị định này gồm 03 Chương với 17 Điều, quy định việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nghị định này có nhiều điểm thay đổi so với Nghị định số
99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ, cụ thể như sau:
Đầu tiên, Nghị định số 10/2019/NĐ-CP đã bổ sung thêm các quy định để làm rõ về đại diện chủ sở hữu nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Cụ thể, tại Điều 3 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định về đại diện chủ sở hữu nhà nước như sau:
“
1. Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan.
3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.”.
Và tại Điều 4 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP đã quy định tùy vào từng trường hợp cụ thể thì sẽ phân định cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước sao cho phù hợp, chi tiết như sau:
“1. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các đối tượng sau đây:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và không thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định của pháp luật;
b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trong thời gian chưa chuyển giao.
3. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp được chuyển giao từ các Bộ, UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.”.
Thứ hai, tại Chương II Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản, chuyển giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về điều lệ, chiến lược, kế hoạch của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ....
Thứ ba, tại điểm đ, khoản 2 Điều 10 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc bổ nhiệm kiểm soát viên tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như sau: “
Cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyền lựa chọn, quyết định bổ nhiệm cán bộ, công chức do mình quản lý làm Kiểm soát viên và có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho cán bộ, công chức khi thôi làm Kiểm soát viên.”.
Thứ tư, tại khoản 9, Điều 11 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định: “
Cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyền và trách nhiệm phê duyệt báo cáo tài chính, phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hằng năm của doanh nghiệp”. (thay đổi so với quy định tại Nghị định số
99/2012/NĐ-CP là phải thông qua Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty
).
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2019/NĐ-CP là một công tác quan trọng giúp hoàn thiện cơ chế pháp lý của nhà nước đáp ứng tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đã phát triển, có nhiều đổi mới so với khi Nghị định số
99/2012/NĐ-CP còn hiệu lực; làm cơ sở cho theo các quy định hiện hành liên quan đến việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Để tổ chức thực hiện Nghị định này, UBND tỉnh sẽ xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về tổ chức thực hiện các quyền, trách nhiệm đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và vốn nhà nước tại doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý.
Tải Nghị định này
tại đây./.
Nguyễn Thị Mai Anh - Trưởng phòng TCDN-TH