Ngày 10/04/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2019/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo năm 2018, trong đó tại Mục 3 quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm Luật Tố cáo năm 2018, cụ thể:
Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và quy định tại Điều 22, Điều 23 Nghị định này hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Nghị định này quy định cụ thể 03 hình thức xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo đó là khiển trách, cảnh cáo và cách chức. Đặc biệt, tại Điều 23 quy định xử lý kỷ luật đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể: “Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 28/05/2019.
THANH TRA SỞ