Ngày 30/11/2023, tại Bình Định, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững” được đồng tổ chức bởi Bộ Tài chính và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU), Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển liên bang Đức (BMZ).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu khai mạc. Ảnh: Sơn Nam
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; trường đại học, viện nghiên cứu; doanh nghiệp; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (EU, GIZ, BMZ, IMF, UNICEF…).
Diễn đàn là sự kiện được Bộ Tài chính tổ chức thường niên và là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách thảo luận các vấn đề trọng tâm về kinh tế tài chính đang đước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và xã hội quan tâm.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, năm 2023, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, lạm phát vẫn ở mức cao. Nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; nợ công toàn cầu tăng mạnh. Các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp; an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu gặp nhiều thách thức...
Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu to lớn sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn do hệ lụy từ những tác động của dịch Covid-19, khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão, lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương…
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có độ mở lớn, trong khi các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước. Cùng với đó, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 triển khai còn chậm. Lạm phát gia tăng trong bối cảnh giá hàng hóa, lạm phát toàn cầu tăng lên; giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm. Nợ xấu tiềm ẩn vẫn là thách thức.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững” được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận với mục tiêu đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - ngân sách nhà nước trong thời gian tới theo các định hướng đã được phê duyệt trong Chiến lược tài chính đến năm 2030. Diễn đàn không chỉ là sự tiếp nối của các Diễn đàn Tài chính Việt Nam trước đây mà còn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.
“Thành công của Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2023 sẽ là động lực quan trọng để Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam các năm tiếp theo, tạo ra không gian khoa học cho những sáng kiến về các vấn đề kinh tế - tài chính đang được dư luận xã hội quan tâm” - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn (thứ 6 từ phải sang)
chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Sơn Nam
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, sau 3 năm của nhiệm kỳ 2021-2025, Bình Định luôn duy trì tăng trưởng kinh tế qua các năm. Năm 2023, ước thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt 15 nghìn tỷ đồng. Bình Định cũng mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư tìm đến địa phương để tạo động lực huy động nguồn lực cho ngân sách đảm bảo tăng trưởng xanh bền vững. Theo đó, tỉnh tập trung cân đối nguồn lực gắn với tăng trưởng xanh, tuần hoàn, kinh tế số, phấn đấu là trung tâm lớn của miền Trung.
Đại diện Liên minh châu Âu (EU) - đơn vị tài trợ, phát biểu trực tuyến cho rằng, 2023 là năm rất khó khăn của tất cả các nước trên thế giới và EU, ảnh hưởng lớn đến các nước có mức tăng trưởng thấp, trong đó có Việt Nam. Hiện Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực cải cách, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Liên minh EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam một số chính sách cải cách về năng lượng tái tạo, hỗ trợ tăng cường chính sách tài chính ngân sách, dự án tăng cường quản lý tài chính công, quản lý tài chính từ ngân sách bảo đảm bền vững.
Ông Arne Fraemk - Trưởng nhóm Hợp phần với Bộ Tài chính Chương trình "Cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh", Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cũng đang trên lộ trình chuyển đổi tăng trưởng xanh, cam kết thực hiện rác thải bằng 0 năm 2050. Vì vậy, Việt Nam phải huy động nguồn lực, đảm bảo nguồn tài chính công ổn định, phát triển. GIZ cam kết chia sẻ kinh nghiệm quốc tế với Bộ Tài chính Việt Nam; phối hợp các cục, vụ tăng cường quản lý nợ công, quản lý thuế, chương trình cải cách chiến lược ngành Tài chính đến năm 2030.
Tại phiên tổng thể và 2 phiên tham luận về chính sách tài chính vượt qua thách thức, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; chính sách tài chính hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, các đại biểu tham dự, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận các vấn đề về cơ hội và thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính- ngân sách. Đồng thời, các đại biểu đề xuất các giải pháp để vượt qua thách thức và hướng tới phát triển bền vững.
Các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm; lạm phát vẫn ở mức cao; sự sụt giảm cầu nhập khẩu từ các nước đối tác thương mại lớn; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra; nợ công tăng cao và hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế ngày càng thu hẹp. Cùng với đó, một số thách thức nội tại cũng sẽ tạo áp lực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước nói chung.
Do đó, để phát triển ổn định nền kinh tế, Việt Nam cần bám sát xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu… và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết trung ương về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng, đổi mới mô hình tăng trưởng… Các chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn